Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân cùng với đời sống của người dân không ngừng cải thiện trong những năm qua đang được xem là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong đó phải kể đến mô hình kinh doanh dược phẩm.
Tuy nhiên, dường như các chính sách đầu tư vẫn chưa cởi mở để nhà đầu tư nước ngoài có thể kinh doanh dược phẩm nhập khẩu tại Việt Nam. Các giới hạn đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài có thể được thể hiện trong các hiệp định quốc tế, hiệp đinh song phương mà Việt Nam là một bên ký kết hoặc được quy định cụ thể hóa trong pháp luật Việt Nam.
Vậy rào cản tiếp cận ngành phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam là gì? Và các nhà đầu tư nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách nào?
Theo Luật đầu tư của Việt Nam có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2021 thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng cả 02 điều kiện cơ bản khi đầu tư vào Việt Nam:
Một là, điều kiện tiếp cận thị trường, bao gồm: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và các điều kiện khác (nếu có).
Hai là, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Các nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường Việt Nam bằng một trong các hình thức sau:
Trên thực tế hai loại hình được các nhà đầu tư sử dụng nhiều nhất đó chính là đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (thành lập các công ty con, các công ty liên doanh) và đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một công ty có sẵn ở Việt Nam.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào hai hình thức đầu tư này.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì kinh doanh phân phối dược phẩm là ngành nghề phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cùng với thuốc lá và xì gà, sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý, thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến, gạo, đường mía, đường củ cải thì dược phẩm được loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không bị ràng buộc phải mở cửa đối với các hoạt động phân phối dược phẩm của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc cho phép thực hiện hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ý kiến của của các cơ quan hữu quan Việt Nam, dựa trên các quy định hiện tại.
Căn cứ vào biểu cam kết cụ thể của Việt Nam tại Phụ lục 8-B thì dược phẩm cùng với thuốc lá và xì gà, sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý, thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua xử lý, gạo, đường mía và đường củ cải vẫn bị loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết. Có thể thấy Việt Nam nhất quán trong chính sách bảo hộ của mình đối với các loại sản phẩm thiết yếu đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữ biểu cam kết WTO và Hiệp định EVFTA thì tại Hiệp định EVFTA có thêm điều khoản được cho là ưu đãi hơn so với với WTO tại Điều 2.15:
“1. Việt Nam sẽ áp dụng và duy trì các văn kiện pháp lý phù hợp cho phép các công ty dược phẩm nước ngoài thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tại nước ngoài để nhập khẩu dược phẩm mà đã có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam về việc tiếp thị. Không làm ảnh hưởng tới Biểu cam kết của Việt Nam trong Phụ lục 8-B (Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam), các doanh nghiệp có vốn đầu tại nước ngoài đó được phép bán dược phẩm được nhập khẩu hợp pháp cho các nhà phân phối hoặc nhà bán buôn mà có quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam.
2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu tại khoản 1 được phép:
(a) xây dựng nhà kho để chứa dược phẩm họ nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam phù hợp với các quy định được ban hành bởi Bộ Y tế, hoặc các cơ quan dưới quyền;
(b) cung cấp thông tin về dược phẩm họ đã nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phù hợp với quy định của Bộ Y tế, hoặc các cơ quan dưới quyền, và các cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam; và
(c) thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng theo quy định của Điều 3 (Tiêu chuẩn quốc tế) của Phụ lục 2-C (Dược phẩm và thiết bị y tế) và phù hợp với các quy định của Bộ Y Tế, hoặc các cơ quan dưới quyền nhằm đảm bảo dược phẩm mà họ nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam là thích hợp cho tiêu dùng nội địa.”
Theo thỏa thuận tại khoản 1 Điều này cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể nhập khẩu dược phẩm và được phép bán dược phẩm được nhập khẩu hợp pháp cho các nhà phân phối hoặc nhà bán buôn khác mà có quyền phân phối dược phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, quyền nhập khẩu này không được vượt quá các cam kết của Việt Nam tại Phụ lục 8-B. Có thể thấy, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mở cửa đối với sản phẩm dược phẩm. Do đó, việc nội luật hóa và có những quy định cụ thể là cần thiết trong trường hợp này.
Việt Nam đã ban hành Luật đầu tư vào 17 tháng 06 năm 2020 và Luật này đã có hiệu lực vào 01 tháng 01 năm 2021, cùng với đó là Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư. Căn cứ vào Phụ lục I mục A.16, theo đó hoạt động “Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối đối với các hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.” bị hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, danh mục này không nêu cụ thể bất kỳ hoạt động chi tiết nào, do đó, cần đối chiếu pháp luật hiện hành.
Theo Thông tư 34/2013/TT-BCT về việc công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì dược phẩm thuộc Phụ lục số 3 các hàng hóa không được thực hiện quyền phân phối, điều này có nghĩa là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không dược quyền phân phối bán buôn và phân phối bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Thông tư này đã có hiệu lực từ ngày 05/02/2014 và vẫn còn hiệu lực cho đến nay.
Từ đó có thể thấy pháp luật Việt Nam vẫn còn giới hạn, hay nói cách khác là chưa cho phép thực hiện đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm nhập khẩu. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như chưa thể thành lập các công ty con hoặc mua vốn trực tiếp từ các công ty Việt Nam để thực hiện hoạt động kinh doanh dược phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Trên thực tế đã có nhiều giải pháp để giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được các doanh nghiệp dược phẩm, cũng như thực hiện các hoạt động phân phối dược phẩm tại Việt Nam.
Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là hệ thống phân phối dược phẩm LC. LC được sở hữu bởi A, A được sở hữu phần lớn cổ phần bởi B, hiện nay B được sở hữu bởi 49% nhà đầu tư nước ngoài. Bằng cách sở hữu gián tiếp qua nhiều công ty con các nhà đầu tư nước ngoài có thể “vượt qua” các điều kiện tiếp cận thị trường của Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam hiện nay cho phép các nhà sản xuất dược phẩm được kinh doanh phân phối các sản phẩm do mình sản xuất. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua lại cổ phần hoặc thành lập các công ty sản xuất dược phẩm ngay tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn cho các khoản đầu tư và dịch chuyển các công nghệ sản xuất đến Việt Nam. Các doanh nghiệp điển hình trong loại hình này có thể kể đến các công ty chuyển sản xuất dược phẩm đình đám như Dược Hậu Giang (được sở hữu bởi 53,95% vốn đầu tư nước ngoài), Cổ phần Pymepharco (được sở hữu bởi 49% vốn đầu tư nước ngoài), Davipharm (được sở hữu bởi 70% vốn đầu tư nước ngoài) hay một tên tuổi khác có sự tham gia của Abbott là nhà sản xuất Domesco (được sở hữu bởi 45,94 nhà đầu tư ngoại).
Hiện nay, tỷ lệ thuốc nội địa chỉ mới đáp ứng xấp xỉ 50% nhu cầu của thị trường trong nước, do đó, thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn đang là một điểm thu hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc cho phép các doanh nghiệp có vốn ngoại kinh doanh dược phẩm nhập khẩu tại Việt Nam dường như là một chặn đường còn khá xa khi Chính phủ đang khuyến khích dịch chuyển các nhà sản xuất dược phẩm lớn đến Việt Nam, và tham vọng trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.