Hiện nay không chỉ có ngành giáo dục mà ngành y tế cũng là lĩnh vực thu thập một cách khá chi tiết các thông tin của người dùng. Việc cung cấp thông tin cho tổ chức y tế là bắt buộc khi thực hiện thăm khám bệnh hay các dịch vụ khác tại tổ chức y tế. Các thông tin sau khi được cung cấp sẽ được lưu trữ dưới hình thức dữ liệu trên nền tảng số và hình thức giấy cho một số trường hợp cụ thể, đặc biệt trong thời đại công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, các dịch vụ y tế dần được số hoá để cơ quan có thẩm quyền dễ dàng quản lý và hỗ trợ người dân khi cần thiết. Tuy nhiên, điều này đã đặt ra nguy cơ dữ liệu thông tin người dùng bị rò rỉ, tiết lộ, công khai trên không gian mạng, xâm phạm đến quyền riêng tư của cá nhân, tổ chức. Bài viết này sẽ phân tích tổng thể quy định pháp luật về việc bảo mật thông tin người dùng, đặc biệt là thông tin cá nhân trong môi trường y tế.
Để bảo vệ dữ liệu người dùng trong lĩnh vực y tế, pháp luật một số quốc gia đã có quy định cụ thể như Đạo luật về tính linh hoạt và tính trách nhiệm về bảo hiểm y tế (HIPAA) của Mỹ, Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và văn kiện điện tử (PIPEDA) của Canada,…
Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 và Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, thông tin về tình trạng sức khoẻ và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án của người bệnh cần được tôn trọng và bảo vệ. Theo đó, chỉ một số đối tượng cụ thể được tiếp cận những thông tin này, bao gồm[1]:
Ngoài quy định nêu trên, Luật An ninh mạng năm 2018 là cơ sở quan trọng để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường y tế. Dựa trên các cơ sở này, trong Hướng dẫn về bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại Quyết định 4054/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 22/09/2020 cũng nêu rõ các biện pháp hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh bao gồm:
Hướng dẫn cũng nêu rõ, cán bộ y tế tham gia hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa có trách nhiệm giữ bí mật và không chia sẻ thông tin người bệnh, người tham gia hội chẩn trong quá trình thực hiện hoạt động hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; tuân thủ nghiêm các nội dung của Hướng dẫn này và quy chế nội bộ của cơ sở nơi làm việc.
Theo Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022, dữ liệu về thông tin cá nhân được hiểu là dữ liệu về thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự để xác định danh tính một cá nhân. Do đó, các dữ liệu sức khoẻ của người dùng là một trong những loại thông tin cần được bảo mật trong môi trường y tế.
Thực tế có thể thấy người dùng không có sự lựa chọn trong việc chấp nhận hay từ chối cung cấp một phần hay toàn bộ thông tin người dùng khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào tại các cơ sở y tế. Việc cung cấp thông tin như là một bước đầu tiên để người dụng được khám chữa bệnh. Chính vì vậy dù muốn hay không thì việc cung cấp thông tin gần như là bắt buộc với người dùng, và sau đó người dùng cũng không thể kiểm soát được thông tin đó có được bảo mật hay không. Xuất phát từ thực trạng này, thiết nghĩ cần có văn bản chuyên ngành điều chỉnh các vấn đề xoay quanh việc thu thập, sử dụng và bảo mật thông tin người dùng trong lĩnh vực y tế cũng như chế tài áp dụng cho các tổ chức làm thất thoát hay sử dụng trái phép thông tin người dùng. Điều này thực sự cần thiết đối với lĩnh vực y tế, một lĩnh vực mà ở đó người dùng không có bất kỳ công cụ nào để kiểm soát quá trình sử dụng thông tin của mình
[1] Khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.