“Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội toàn Thành phố theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg (“Chỉ thị 16”) ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 09 tháng 7 năm 2021. Thể theo tinh thần này, Bộ giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các chỉ đạo kịp thời để hướng dẫn công tác tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) cho các phương tiện vận chuyển trong thời gian 15 ngày, kể từ 0h ngày 09/7/2021. Cụ thể:“
Thành phố Hồ Chí Minh dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô bao gồm xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe khách tuyến cố định. Tuy nhiên, ngoại trừ các trường hợp:
Các trường hợp được phép hoạt động phải đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, lưu ý thực hiện nghiêm các vấn đề sau: Đối với các chuyến xe đưa đón công nhân, chuyên gia, phương tiện phải được khử khuẩn, tất cả các chuyến xe chỉ vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế. Người ngồi trên xe phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định. Người đứng đầu đơn vị phải quy định cụ thể và cố định tuyến, chuyến xe, người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh Covid-19.
Các phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia từ TPHCM đi các tỉnh, thành phố và ngược lại; phương tiện đi qua địa bàn TPHCM lưu thông theo luồng xanh (lộ trình riêng) trong thời gian giãn cách xã hội. Sở GTVT sẽ công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết; thực hiện đúng mục đích do Sở thông báo và theo chỉ đạo của UBND TPHCM hoặc Sở Y tế TPHCM.
Đối với xe taxi chờ người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết: Yêu cầu vận chuyển không quá 50% sức chứa, tất cả người ngồi trên xe phải thực hiện khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định; không sử dụng hệ thống điều hòa và bắt buộc mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ hành khách. Trên xe có trang bị nước sát khuẩn và thực hiện việc khử khuẩn phương tiện hằng ngày và phải từ chối vận chuyển hành khách nếu không chấp hành theo quy định.
Bên cạnh đó, Thành phố còn yêu cầu dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách như Grab, Gojek, Bee và cả “xe ôm truyền thống”.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách công cộng (trừ các bến Cần Giờ – Cần Giuộc, Cần Thạnh – Thạnh An và Thạnh An – Thiềng Liềng). Đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên không được lên bờ. Đối với các phương tiện thủy nội địa, khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng, thuyền viên hạn chế lên bờ (chỉ cử 01 người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo quy định).
Các doanh nghiệp có nhu cầu được cấp Giấy nhận diện phương tiện nộp Công văn đề nghị về cho cơ quan đầu mối (Sở Công thương/Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp/Đơn vị quản lý cảng/Sở Giao thông vận tải). Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan tiếp nhận từ các cơ quan đầu mối, xét duyệt Công văn và cấp mã QR lên trên Giấy nhận diện phương tiện. Doanh nghiệp tự in, đóng dấu và dán lên kính chắn gió phía trước của phương tiện.
Giấy nhận diện phương tiện nhằm tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) khi lưu thông, không phải giấy phép bắt buộc phải có khi lưu thông qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số 16. Các phương tiện có Giấy nhận diện phương tiện sẽ được hướng dẫn đi làn đường ưu tiên để không bị ùn tắc, đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh và phục vụ hàng thiết yếu.
Ngoài ra, tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh khác hoặc ngược lại bắt buộc phải có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (theo quy định hiện hành của Bộ Y tế), trừ trường hợp phương tiện vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết nhưng phải được theo dõi, kiểm soát y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Các doanh nghiệp có thể sắp xếp để người điều khiển, người phục vụ trên các phương tiện vận tải đến các bệnh viện hoặc các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép để xét nghiệm SARS-CoV-2. Hiện nay, vẫn chưa có văn bản chính thức quy định thống nhất về thời hạn có hiệu lực của Giấy xét nghiệm này. Ngoài ra, hàng ngày cần thực hiện Khai báo y tế bằng mã QR theo đúng quy định.
Thành phố Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn chống dịch khó khăn, việc mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp nắm bắt kịp thời đường lối, chính sách của Nhà nước và chung tay tuân thủ sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và đẩy lùi dịch bệnh.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.