LĨNH VỰC ĐẦU TƯ

Các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư 2020

Các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư 2020
Các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư 2020

Ngày 17/06/2020, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Đầu tư 2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế cho Luật Đầu tư 2014. Theo đó Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư. Hai văn bản trên có những thay đổi đáng chú ý so với Luật đầu tư 2014 trong quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Bên cạnh đó là những quy định hoàn toàn mới về ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt nhằm thu hút những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với những dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội. Nhà đâu tư cần chú trọng để áp dụng và hưởng những ưu đãi thích hợp.

Những thay đổi quan trong đáng chú ý gồm: (i) bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư; (ii) bổ sung hình thức ưu đãi đầu tư và (iii) quy định mới về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

1. Bổ sung và giải thích rõ hơn về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư

Bên cạnh những đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã đặt ra những điều kiện để được hưởng ưu đãi và giải thích chi tiết hơn về những đối tượng này, cụ thể:

  • Ngoài quy định rằng dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì Luật đầu tư 2020 còn bổ sung quy định rằng dự án phải đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng); dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật (từ 30% số lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên);
  • Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường;
  • Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
  • Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa (Có ít nhất 80% số doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 10 địa điểm phân phối hàng hoá đến người tiêu dùng; tối thiểu 50% doanh thu của chuỗi được tạo ra bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong chuỗi); đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ và đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư sau:

  • Giáo dục đại học;
  • Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành;
  • Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
  • Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;  
  • Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế.

Bổ sung hình thức ưu đãi đầu tư: khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 15 Luật đầu tư 2020.

2. Bổ sung ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt

Trước đây Luật Đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định nào về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt vì vậy một điểm đáng chú ý trong Luật mới là việc Chính phủ quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội sau:

  • Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư;
  • Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
  • Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Vê hình thức, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức tương tự với hình thức hỗ trợ đầu tư khác.

Nguyên tắc áp dụng ưu đãi:

(i) Mức ưu đãi, thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai;

(ii)  Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và toàn bộ cơ sở trực thuộc đặt ngoài trụ sở chính của Trung tâm;

  • Nhà đầu tư đề xuất áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt phải cam kết đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư, mức vốn giải ngân, thời hạn giải ngân và các điều kiện khác ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư nêu trên.

Được hưởng ưu đãi về đầu tư đang được xem là lợi thế đặc biệt mà các Nhà đầu tư mong muốn hướng đến nhằm giảm bớt các chi phí tài chính, giúp Nhà đầu tư ổn định hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Chính vì vậy ngay tại thời điểm lập kế hoạch cho việc đầu tư tại Việt Nam thì các vấn đề về ngành nghề, mức vốn, vị trí hoạt động của dự án tại Việt Nam cần được đánh giá một cách kỹ càng xét trên quy định chung của pháp luật, chính sách của từng địa phương, từng khu vực, từ đó sẽ giúp Nhà đầu tư xác định được những ưu đãi mà Nhà đầu tư có thể được hưởng khi đầu tư tại Việt Nam.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.