“Trên thực tế, khi lưu thông tiền qua lại giữa Việt Nam với các nước, doanh nghiệp phải chịu mức phí khá cao. Mức phí này không được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật mà tuỳ thuộc vào phần biểu phí của các ngân hàng.”
Ngoài những nghĩa vụ thuế quan, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam còn phải gánh thêm một khoản phí không nhỏ khi giao dịch với nước ngoài, đó là phí chuyển khoản giữa ngân hàng Việt Nam với các quốc gia khác. Vậy làm thế nào để giảm thiểu chi phí đó?
Trước hết, khi thực hiện giao dịch quốc tế, doanh nghiệp bắt buộc phải mở tài khoản. Riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ. Thông qua các tổ chức tín dụng này, doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động điều chuyển các nguồn vốn, thanh toán các khoản phí, thu hồi lợi nhuận…
Để giảm thiểu mức phí trên, doanh nghiệp có thể tham khảo các phương thức sau:
+ Nếu chuyển tiền từ ngân hàng có quan hệ tài khoản trực tiếp với ngân hàng bên nhận tiền, tức hai ngân hàng này có thoả thuận giảm chi phí chuyển khoản hoặc cùng thuộc một hệ thống ngân hàng, v..v… thì sẽ được ưu đãi mức phí chuyển khoản, thậm chí có thể bằng “0”.
+ Nếu chuyển tiền từ ngân hàng không có quan hệ tài khoản với ngân hàng bên nhận tiền, khi đó phải thông qua và bị thu phí bởi các ngân hàng trung gian. Do vậy, trong lệnh chuyển tiền, bên chuyển tiền nên ghi rõ thông tin ngân hàng trung gian – là một ngân hàng có quan hệ tài khoản với ngân hàng bên nhận tiền.
Lưu ý rằng, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam thì việc chuyển nhượng vốn được thực hiện bằng đơn vị tiền Việt Nam (VNĐ). Việc chuyển nhượng này không làm tăng tổng vốn đầu tư nên sẽ không phải thực hiện chuyển nhượng thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của doanh nghiệp.
Công Ty Luật PLF