LĨNH VỰC thương mại
Một Số Quy Định Mới Trong Thi Hành Bộ Luật Dân Sự Về Bảo Đảm Thực Hiện Nghĩa Vụ
Updates On Implementing The Civil Code Regarding Security For Performance Of Obligations

Ngày 19/03/2021, Chính Phủ ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP Quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có hiệu lực vào ngày 15/5/2021, thay thế cho Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính Phủ về giao dịch bảo đảm.

Bài viết này sẽ chỉ ra một số điểm mới được cập nhật của Nghị định 21/2021/NĐ-CP so với Nghị định 163/2006/NĐ-CP.”

Trước đây, Nghị định 163/2006/NĐ-CP chỉ quy định về tài sản bảo đảm trong một điều luật. Trong Nghị định mới này, tải sản bảo đảm được quy định trong một chương (Chương II) để có thể quy định chi tiết và rõ ràng hơn về các tài sản bảo đảm, trong đó có những điểm đáng chú ý sau:

1. Liệt kê ra các loại tài sản bảo đảm cụ thể:

  • Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
  • Tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng;
  • Vật có vật phụ, vật đồng bộ, vật đặc định;
  • Giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi;
  • Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng;
  • Tài sản hình thành từ việc góp vốn;
  • Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên;
  • Quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ;
  • Dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư;
  • Hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh và kho hàng.

2. Bổ sung và quy định chi tiết hơn về tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:

  • Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
  • Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
  • Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
  • Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

(Trước đây tài sản bảo đảm chỉ được quy định bao gồm tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch)

3. Mô tả tài sản đảm bảo

Việc mô tả tài sản bảo đảm do bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận, phù hợp với các quy định sau:

  • Trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận.
  • Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền tài sản thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải thể hiện được tên, căn cứ pháp lý phát sinh quyền tài sản.

4. Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm

Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.

Hợp đồng bảo đảm không thuộc trường hợp nêu trên có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.

Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực.

Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.

5. Hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đám với người thứ ba – Quy định mới:

  • Biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật.
  • Trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
  • Trường hợp không thuộc trường hợp phải đăng ký thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm. Trường hợp tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm này được giao cho người khác quản lý thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba phát sinh từ thời điểm:
  • Bên nhận cầm cố, bên nhận đặt cọc hoặc bên nhận ký cược nắm giữ tài sản bảo đảm;
  • Người quản lý tài sản nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ bên cầm cố, bên đặt cọc hoặc bên ký cược;
  • Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực trong trường hợp người khác đang quản lý trực tiếp tài sản mà tài sản này được dùng để cầm cố, để đặt cọc hoặc để ký cược.

Hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

6. Đầu tư vào tài sản thế chấp:

Trước đây, Chính Phủ chỉ quy định về các trường hợp được phép đầu tư vào tài sản thế chấp thì trong Nghị định mới này, để bảm đảm quyền và lợi ích của các bên, Chính Phủ đã đề ra những điều kiện thực hiện đầu tư vào tài sản thế chấp như sau:

  • Phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp khi bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp;
  • Phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp khi bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp làm phát sinh tài sản mới không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp;
  • Việc thế chấp làm giảm giá trị thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu chấm dứt việc đầu tư.

Trong chương IV Nghị định 21/2021/NĐ-CP về xử lý tài sản thế chấp, quy định về thông báo xử ký tài sản bảo đảm đối với trường hợp một tài sản được dùng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ như sau:

  • Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ hoặc được giữ bởi người khác thì văn bản thông báo phải được gửi đồng thời cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) và người giữ tài sản bảo đảm;
  • Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm thì ngoài phương thức thông báo còn có thể thực hiện bằng phương thức đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý, nhưng trước ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp tài sản nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì phải xử lý ngay.

Nhìn chung, Nghị định mới đã có những quy định rõ ràng và chi tiết các vấn đề về giao dịch bảo đảm nhằm thực hiện loại giao dịch này hiệu quả hơn cũng như bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các chủ thể trong giao dịch này.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Liên hệ PLF để được tư vấn