Trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán, ký kết và tham gia các hiệp định thương mại quốc tế. Bên cạnh những cơ hội và tiềm năng phát triển, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mở cửa thị trường trong nước. Một trong những thách thức đó là sự xuất hiện của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đơn cử là hành vi bán phá giá gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong hoạt động thương mại.

1. Chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam

Trong thương mại quốc tế, hành vi bán phá giá có thể hiểu là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hoá được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với mức giá thấp hơn giá bán của hàng hoá đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu. Trong WTO, đây được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đối với ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu. Các nguyên tắc về chống bán phá giá được quy định tại Hiệp định chung về thuế quan và Thương mại (GATT), Hiệp định về chống bán phá giá và các biện pháp chống bán phá giá được xem là một hình thức hữu hiệu để hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.

Trên cơ sở các nguyên tắc chung có liên quan của WTO, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý riêng đối với vấn đề chống bán phá giá này. Theo quy định tại Luật quản lý ngoại thương 2017, “Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp chống bán phá giá) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước”.

Theo đó, “hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán”.

2. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Không phải cứ có hiện tượng hàng hoá nước ngoài bán phá giá thì nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hoá đó. Theo quy định tại Luật quản lý ngoại thương 2017, để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá nêu trên, cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành điều tra chống bán phá giá, ra kết luận khẳng định sự tồn tại đồng thời của cả ba điều kiện sau:

  • Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể (biên độ phá giá không thấp hơn 2%);
  • Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
  • Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

3. Căn cứ tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá

Theo quy định tại Luật quản lý ngoại thương 2017, việc điều tra, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá được thực hiện khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Theo đó, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải lớn hơn tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước phản đối việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
  • Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, không nhất thiết tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá thì cơ quan nhà nước mới tiến hành điều tra. Theo quy định tại Nghị định 10/2018/NĐ-CP, trong trường hợp không có Bên yêu cầu nhưng có dấu hiệu rõ ràng về việc hàng hóa bị bán phá giá hoặc được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Cơ quan điều tra có quyền tiến hành lập Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét quyết định điều tra.

Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm quyết định điều tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

4. Các biện pháp chống bán phá giá

Theo quy định tại Luật quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

  • Áp dụng thuế chống bán phá giá:
  • Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.

5. Một số lưu ý cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần trang bị hiểu biết chung về sự tồn tại của nguy cơ bị kiện về các biện pháp chống bán phá giá. Theo đó, doanh nghiệp cần đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế để các số liệu của doanh nghiệp được cơ quan điều tra chấp nhận sử dụng khi tính toán biên phá giá. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu giữ tất cả các số liệu, tài liệu có thể làm bằng chứng chứng minh hành vi không bán phá giá.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tự yêu cầu được tham gia, hợp tác với cơ quan điều tra và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng trong quá trình điều tra để được tính biên độ phá giá riêng phản ánh đúng hơn thực tế hoạt động kinh doanh của mình. Đặc biệt là không gian lận trong và sau cuộc điều tra chống bán phá giá để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và tiến bộ.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share: