Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Góp vốn” là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập, đồng thời khoản 27 Điều 4 quy định “Phần vốn góp” là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Theo đó, thành viên phải tiến hành góp đủ vốn và đúng loại tài sản như đã cam kết trong thời gian luật định. Cụ thể, Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:
“Điều 47. Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
2. Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
b) Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.”
Theo quy định trên trong thời hạn 90 ngày, các thành viên phải góp đủ số vốn theo đúng những gì đã cam kết, trường hợp thành viên góp không đúng số tiền đã cam kết thì phạm vi quyền của thành viên được thực hiện sẽ chỉ nằm trong giới hạn số vốn thực góp. Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ nếu có thành viên không góp đủ vốn cam kết. Trường hợp công ty không tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung tương ứng trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời gian luật định, doanh nghiệp sẽ có thể bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền và khắc phục hậu quả, cụ thể tại điểm a khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư:
“Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này”
Như đã phân tích nêu trên, có thể hiểu rằng khi thành viên đã góp đủ vốn thì thành viên đó được phép chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của thành viên cho cá nhân khác. Nếu thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết, thành viên chỉ được phép chuyển nhượng vốn cho bên thứ ba tương ứng với số vốn đã thực góp. Số vốn thực góp được hiểu là số vốn đã thực tế được chuyển vào tài khoản công ty hoặc thực nộp tiền mặt vào công ty, số vốn này khác với số vốn ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, số vốn ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là vốn cam kết.
Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp được thỏa thuận và ký kết khi thành viên chưa được góp đủ phần vốn góp đã cam kết ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp đã đồng ý cập nhật tên Bên nhận chuyển nhượng phần vốp góp vào danh sách thành viên với tỷ lệ sở hữu tương ứng theo vốn góp đã chuyển nhượng. Khi đó, điều này là trái quy định pháp luật và là cơ sở để dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu căn cứ theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật Dân sự, cụ thể:
“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.…”
Khi hợp đồng vô hiệu đồng nghĩa với tư cách thành viên không được xác lập. Xét hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Thành viên nhận chuyển nhượng hoàn toàn có quyền yêu cầu được hoàn trả giá trị chuyển nhượng vốn góp đã thanh toán đồng thời có thể yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để hủy tư cách thành viên góp vốn tại công ty. Tuy nhiên, để có cơ sở tiến hành, thành viên nhận chuyển nhượng cần khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền với yêu cầu tuyên bố HĐCN vô hiệu và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận việc hủy bỏ tư cách thành viên của thành viên nhận chuyển nhượng trong trường hợp HĐCN bị tuyên vô hiệu.
Vì vậy, với tư cách là nhà đầu tư vào doanh nghiệp (đặc biệt là đối với doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam khi mà việc góp vốn không được kiểm soát thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp) dưới hình thức nhận chuyển nhượng vốn góp từ thành viên hiện hữu, nhà đầu tư cũng cần lưu ý kiểm tra tư cách thành viên chuyển nhượng vốn góp thông qua các tài liệu như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận phần vốn góp, báo cáo tài chính của công ty để kiểm tra tiến độ góp vốn của thành viên đó để từ đó hạn chế rủi ro hợp đồng chuyển nhượng vốn vô hiệu và không xác lập tư cách thành viên trong trường hợp thành viên chuyển nhượng chưa góp vốn hoặc góp vốn không đủ với số vốn đã cam kết ghi nhận trên giấy phép.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.