“Theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp có quyền kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Theo đó, doanh nghiệp có quyền đăng ký cùng lúc nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau mà không bắt buộc phải hoạt động hết tất cả các ngành nghề đã đăng ký. Việc đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh cùng lúc giúp công ty có thể kinh doanh đa ngành, không phải thực hiện thủ tục cập nhật ngành nghề kinh doanh của mình khi có nhu cầu kinh doanh trong những ngành mà thường công ty không hoạt động nhưng đã được đăng ký sẵn từ trước.”
Tuy nhiên, công ty thực sự có nên đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh? Bài viết sau đây sẽ phân tích cho bạn cách thức lựa chọn và kinh nghiệm trong quá trình đăng ký ngành nghề kinh doanh của công ty cũng như trả lời câu hỏi, nên hay không đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh?
Đối với công ty Việt Nam, việc chọn mã ngành sẽ đơn giản hơn theo nguyên tắc doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, trên cơ sở hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công ty lựa chọn mã ngành trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (“VSIC”) tương ứng với các hoạt động của mình để đăng ký kinh doanh, hoạt động.
Đối với Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, việc chọn mã ngành sẽ phức tạp hơn. Bên cạnh việc chọn mã ngành trên cơ sở mã VSIC. Công ty còn phải chọn mã ngành quốc tế (“CPC”) theo Biểu cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO (“Biểu cam kết”) và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp công ty đăng ký mã ngành không tương ứng với bất kỳ mã ngành CPC nào trong Biểu cam kết; hoặc đăng ký ngành nghề chưa được đề cập trong Biểu cam kết và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công ty vẫn có thể đăng ký ngành nghề này nhưng phải hỏi ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam để xin chấp thuận từ các cơ quan này, sau đó mới có thể đăng ký kinh doanh, hoạt động trong những ngành nghề đó. Trường hợp rơi vào các ngành này, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện các thủ tục phức tạp, phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, nhà đầu tư nên tham vấn ý kiến chuyên gia khi có những dự định này.
Ví dụ: Hoạt động Cổng thông tin (mã ngành VSIC: 6312), Hoạt động trung gian tiền tệ khác (Hoạt động của ví điện tử Momo tại Việt Nam)
Theo quy định của pháp luật đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam hiện tại, ngành nghề đầu tư kinh doanh có thể được chia làm ba nhóm:
Nhóm thứ nhất, ngành nghề kinh doanh không có điều kiện. Là ngành nghề kinh doanh mà công ty được tự do kinh doanh.
Nhóm thứ hai, ngành nghề kinh doanh bị cấm. Là các ngành nghề không được phép kinh doanh, hoạt động tại Việt Nam.
Nhóm thứ ba, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Là các ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và có thể phải xin giấy phép con tương ứng.
Trong đó, đối với từng ngành nghề cụ thể, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các pháp luật chuyên ngành của Việt Nam có quy định về các điều kiện mà công ty kinh doanh trong ngành đó phải đáp ứng. Các điều kiện này có thể được chia thành các nhóm điều kiện sau:
Ví dụ: Công ty hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động phải thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng).
Ví dụ: Nhà đầu nước ngoài xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phải đáp ứng nghiêm ngặt các điều kiện về diện tích mặt bằng xây dựng, diện tích, ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng chăm sóc và giáo dục trẻ; có hệ thống nước, nhà bếp, sân chơi, cây xanh và văn phòng đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Toàn bộ nhân sự làm việc trực tiếp, người đứng đầu của công ty hoạt động trong lĩnh vực ăn uống, kinh doanh nhà hàng phải đảm bảo điều kiện có sức khỏe tốt và đã được tập huấn về vệ sinh, an toàn thực phẩm đầy đủ.
Ví dụ: Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo phải liên doanh với một công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo; Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật bắt buộc phải là tổ chức…
Đầu tiên phải khẳng định rằng, pháp luật không quy định giới hạn số lượng ngành nghề đăng ký. Do đó, công ty có thể đăng ký không giới hạn số lượng các ngành nghề kinh doanh. Với việc đăng ký cùng lúc nhiều ngành nghề kinh doanh, công ty có thể hoạt động đa ngành nghề và đáp ứng các yêu cầu trong quá trình kinh doanh, hoạt động. Tuy nhiên, việc đăng ký ngành nghề kinh doanh một cách bừa bãi sẽ dẫn đến một số bất lợi như khó khăn trong nhận diện mục tiêu kinh doanh, làm đối tác khó xác định được sứ mệnh, điểm mạnh cũng như các ngành nghề kinh doanh chính của công ty dẫn đến không chiếm được lòng tin của đối tác; các ngành nghề kinh doanh công ty đăng ký đối lập, không liên quan đến nhau; rủi ro trong kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi công ty không đáp ứng được các điều kiện pháp định nhưng vẫn kinh doanh, hoạt động.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, vì các lý do trên nên nhà đầu tư chỉ nên đăng ký (i) các ngành nghề kinh doanh mà công ty sẽ hoạt động, (ii) các ngành nghề kinh doanh liên quan, các ngành bổ trợ cho lĩnh vực mà công ty hoạt động, và (iii) các ngành nghề kinh doanh dự kiến cho kế hoạch phát triển trong tương lai của công ty.
Trên đây là một số nội dung về việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh và trả lời cho câu hỏi, có nên đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh hay không. Sau khi chuẩn bị các yếu tố cần thiết, lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp. Nhà đầu tư tiến đến giai đoạn thành lập doanh nghiệp. Quý khách có thể tham khảo Thủ tục thành lập doanh nghiệp và dự án đầu tư tại đây.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.