Hiện nay do quy định của Luật Đầu tư 2020 chưa có quy định cụ thể địa điểm nào được xem là có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh điều này dẫn đến các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các cơ quan có thẩm quyền rơi vào tình trạng kéo dài và chưa có hướng giải quyết. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, và tạo tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tham gia vào thị trường Việt Nam.
Như vậy, nhà đầu tư cần phải làm gì để tránh hoặc để giải quyết vấn đề khi gặp phải tình trạng nêu trên?
Trước đây một số dự án đã ảnh hưởng đến tình trạng an ninh quốc phòng của địa phương, tiêu biểu như dự án được thành lập và xây dựng trong khu vực phòng thủ an ninh, quốc phòng tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Dự án này có chiều cao gây ảnh hưởng đến hoạt động an ninh quốc phòng của khu vực. Hay cũng có thể kể đến dự án trồng rau sạch tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng cũng nằm trong khu vực ảnh hưởng đến lĩnh vực quốc phòng trong khu vực phòng thủ. Các dự án này đã bị dừng triển khai hoặc có ý kiến điều chỉnh của các cơ quan liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Trên cơ sở thực tiễn đó, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Hiện tại, Luật Đầu tư 2020 được ban hành và có thêm quy định mới về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, tại Điều 32.1.(d) của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Quy định này được ra đời nhưng không có ý kiến hướng dẫn để xác định những địa điểm nào được xem là ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh nhằm xác định dự án có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay không. Tình trạng này kéo dài từ khi Luật Đầu tư 2020 được ban hành cho đến khi Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được ban hành vào ngày 26/3/2021. Trong thời gian này, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư phải xin ý kiến của các cơ quan khác như Bộ tư lệnh, cơ quan công an nơi địa điểm đầu tư dự định thành lập. Thời gian xin ý kiến của các cơ quan này là chưa được xác định cụ thể theo quy định cũng như không được đề cập cụ thể trong văn bản gửi xin ý kiến. Điều này dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư lúng túng, lo lắng, hoang mang và không thể xác định được thời điểm cụ thể mà dự án được cấp phép để triển khai hoạt động.
Xuất phát từ lo ngại nêu trên, hiện nay một số nhà đầu tư đã lựa chọn phương án đầu tư gián tiếp thay vì đầu tư trực tiếp thông qua thủ tục nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo phương án này, nhà đầu tư sẽ tiến hành đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. Thực tế phát sinh một số nhà đầu tư đã nộp hồ sơ theo hình thức đầu tư trực tiếp và việc chờ ý kiến phản hồi của các cơ quan được tham vấn nơi địa điểm đầu tư dự định thành lập và cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, thời gian này diễn ra quá lâu gây ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận việc điều chỉnh lại phương thức đầu tư thông qua việc rút hồ sơ sau đó thực hiện theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. Đối với phương án này, trước khi tiến hành, nhà đầu tư cần kiểm tra cụ thể tại cơ quan cấp phép đầu tư về việc liệu dự án theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có phải tham vấn ý kiến của các cơ quan như Bộ tư lệnh, cơ quan công an nơi địa điểm đầu tư dự định thành lập hay không. Bỡi lẽ, thủ tục nội bộ cũng như chính sách của các cơ quan đăng ký đầu tư tại mỗi địa phương có thể khác nhau.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp nêu trên, nhà đầu tư sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thay vào đó, phần vốn của nhà đầu tư sẽ được cập nhật trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức. Ngoài ra, trường hợp nhà đầu tư rút hồ sơ đang được nộp tại cơ quan đăng ký đầu tư, PLF cũng cảnh báo rằng có rủi ro về việc sau khi rút hồ sơ thì cơ quan đăng ký đầu tư đã có quy trình nội bộ và tiếp tục quy trình cấp phép như trước đây. Như vậy, có thể nhìn nhận rằng mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhà đầu tư cần cân nhắc với mục tiêu hoạt động của mình để lựa chọn phương án triển khai cho phù hợp.
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về việc xác định khu vực nào được xem là khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Cơ quan cấp phép đầu tư cũng chưa có quy trình nội bộ cụ thể để xử lý các hồ sơ còn đang tồn tại cũng như các dự án đầu tư đang xin cấp mới. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc với mục tiêu của mình để lựa chọn phương án đầu tư thích hợp. Trong đó hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đang mang đến nhiều lợi thế hơn so với phương thức xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.