LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI

Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Giấy phép cho thuê lại lao động

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động. Vậy Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động là gì, điều kiện kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động là những điều kiện nào; trình tự, thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động bao gồm những gì? Bài viết sau đây sẽ tập trung giải đáp các câu hỏi nêu trên.

1. Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động là gì

Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (“Giấy phép”) là một loại giấy phép con được cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động, là một điều kiện bắt buộc để một doanh nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, do Uỷ ban nhân nhân cấp tỉnh nơi Công ty đặt trụ sở chính cấp hoặc uỷ quyền cho Sở lao động – Thương binh và Xã hội của tỉnh cấp cho Công ty khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có thời hạn tối đa 60 tháng, có thể được gia hạn nhiều lần. Nội dung của Giấy phép bao gồm các thông tin chính như: Mã số của giấy phép, thông tin của Công ty, thông tin của người đại diện theo pháp luật, thông tin về thời hạn của giấy phép.

2. Điều kiện cấp giấy phép

Điều kiện cấp giấy phép bao gồm khối điều kiện với người đại diện theo pháp luật của công ty và điều kiện về ký quỹ, cụ thể như sau:

2.1 Điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:

  • Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Không có án tích;
  • Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

2.2 Ký quỹ

Doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng) để được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Việc ký quỹ nêu trên phải được thực hiện tại ngân hàng thương mại của Việt Nam, nhằm đảm bảo cho mục đích thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép.
  • Bản lý lịch tự thuật và Phiếu lý lịch tư pháp (phiếu lý lịch tư pháp số 1) của người đại diện theo pháp luật được cấp trong vòng 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
  • Một trong các bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật: Hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc cung ứng lao động).
  • Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.

4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép

Bước 1: Công ty thực hiện thủ tục ký quỹ Hai tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại của Việt Nam để được cấp giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.

Bước 2: Sau khi nhận được giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động, Công ty nộp một bộ hồ sơ được đề cập tại mục 3 bài viết này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để đề nghị cấp giấy phép.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bảo đảm theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép.

5. Lưu ý

  • Công ty hoạt động cho thuê lại lao động phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện cho thuê lại lao động trong suốt quá trình hoạt động.
  • Công ty chỉ được hoạt động cho thuê lại lao động trong những lĩnh vực thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
  • Công ty tuyệt đối không cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn, sử dụng giấy phép.
  • Công ty phải bảo đảm nội dung điều kiện lao động đã cam kết; thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động; thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động; trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động cùng trình độ; Lập hồ sơ và định kỳ báo cáo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Công ty đặt trụ sở.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.