“Giới thiệu tổng quan về tiềm năng và tình hình đầu tư ở Việt Nam
Từ khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 thế giới chứng kiến rất nhiều thay đổi, những khó khăn về mặt kinh tế, mất mát về con người. Tuy vậy, chính làn sóng dịch bệnh này cũng chỉ ra rằng để phát triển, chúng ta cần đổi mới. Trong thời điểm lockdown, cũng có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được mở ra, việc kinh doanh online cũng chứng minh được thế mạnh của nó. Và Việt Nam, luôn làm tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh, đã chứng minh được rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư ổn định, giàu tiềm năng.”
Trong khi tình hình dịch bệnh diễn ra đã kéo nền kinh tế thế giới đi xuống và nhiều công ty lâm vào tình trạng khủng hoảng thì theo thống kê cả Tổng cục Thống kê, nền kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì mức phát triển GDP cao hơn 2,91% so với năm trước đó. Cán cân kinh tế cũng chạm mức 343 tỷ đô la Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong các nước Đông Nam Á.[1] Ngoài ra, từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra, đã có rất nhiều công ty sản xuất dần rời bỏ thị trường đông dân của Trung Quốc và chuyển các nhà máy sản xuất, trung tâm phát triển kỹ thuật, kho hàng của mình sang Việt Nam. Không những vậy, Việt Nam cũng bắt đầu nhận được những lợi thế từ việc ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), cụ thể là về thuế suất và tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng được mở rộng hơn nhiều so với cam kết của Việt Nam trong WTO.
Cùng với những thuận lợi về thị trường, nhân lực thì các vấn đề thuộc về chính sách cũng có sự thay đổi lớn. Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2020. Đây là hai pháp lý quan trọng và mấu chốt để các nhà đầu có thể tiền hành dự án đầu tư của mình ở Việt Nam.
Nhằm giải thích, hướng dẫn các quy định của luật đầu tư mới, các văn bản nghị định, thông tư cũng được ban hành.
Cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO là tập hợp các cam kết của riêng Việt Nam trong từng lĩnh vực dịch vụ. Theo đó, các nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ có thông tin về các điều kiện cạnh tranh và mở cửa thị trường dịch vụ mà mình quan tâm để từ đó điều chỉnh thích hợp đối với kế hoạch kinh doanh của mình. Biểu cam kết WTO của Việt Nam bao gồm 11 ngành dịch vụ với khoảng 110 phân ngành dịch vụ.[2]
Ngoài các văn bản pháp luật quản lý chuyên ngành về doanh nghiệp, đầu tư thì đối với một công ty các vấn đề pháp lý còn xoay quanh nhiều lĩnh vực khác như pháp luật về thuế, môi trường, công nghệ thông tin,… Trường hợp văn bản pháp luật chuyên ngành không có quy định cụ thể thì các vấn đề pháp lý sẽ được giải quyết dựa trên Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể như các quy định về hợp đồng, bồi thường thiệt hại hay bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Khi thành lập, công ty có thể đăng ký nhiều ngành nghề. Các công ty cần có một danh sách các hoạt động kinh doanh dự kiến, trong đó nên bao gồm các thông tin về ngành nghề cốt lõi của công ty và các ngành nghề liên quan hỗ trợ ngành chính cũng như các ngành nghề phụ trợ khác. Hoạt động kinh doanh chính cũng sẽ quyết định các loại giấy phép con mà công ty cần và khu vực nào được phép hoạt động bởi một số ngành nghề kinh doanh sẽ được hoạt động theo quy hoạch riêng của từng địa phương. Đặc biệt, đối với một số ngành thì còn có điều kiện về vốn điều lệ.
Việt Nam với thế mạnh vốn có là một nước nông nghiệp, mạnh về xuất khẩu các mặt hàng lương thực, nông sản sẽ là nơi thích hợp để các nhà đầu tư trong ngành hàng thực phẩm xây dựng nhà máy, nơi sản xuất do nguồn sản phẩm đa dạng, giá thành cạnh trạnh và nguồn nhân lực lành lành nghề.
Hiện nay, dưới làn sóng mạnh mẽ của Internet, khoa học công nghệ, sự tối ưu hóa các loại máy móc và nhu cầu mua sắm online tăng cao, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với hiện nay, gồm:
– Giáo dục đại học;
– Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
– Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
– Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;
– Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Về ưu đãi đầu tư, Việt Nam có chính sách ưu đãi đầu tư đa dạng như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đối với địa điểm thực hiện dự án đầu tư, do đất đai ở Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân nên nhà đầu tư không thế sở hữu đất. Tuy nhiên, Việt Nam có miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên đáp ứng đủ điều kiện được hưởng ưu đãi.
Hai trong số những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quan tâm nhiều nhất ở Việt Nam là kinh doanh rượu và thuốc lá. Hai ngành kinh doanh này từ lâu đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư ở mọi quy mô, từ những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp thuốc lá như British American Tobacco, Philip Morris đến những nhà bán lẻ nhỏ hơn cũng bị hấp dẫn bởi lợi nhuận từ các dạng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử.
Tương tự đối với ngành rượu bia, các nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện nhất định và chỉ được phép thực hiện việc kinh doanh theo phạm vi mà mình được cấp phép. Sau khi các công ty đã đáp ứng điều kiện về thành lập thì còn tiến hành thêm một bước là bước xin “giấy phép con”. Vì để có thể được hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các công ty cần đáp ứng một số điều kiện cụ thể theo từng ngành do các cơ quan quản lý cụ thể ban hành. Như vậy, để bắt đầu kinh doanh hiệu quả, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ càng các quy định của pháp luật để chuẩn bị tốt việc thành lập công ty kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.
(Phần 2 sẽ tiếp tục về các hướng dẫn lựa chọn loại hình công ty phù hợp cho các nhà đầu tư)
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.
[1] https://www.gso.gov.vn/en/data-and-statistics/2021/01/viet-nam-economy-in-2020-the-growth-of-a-year-with-full-of-bravery/