“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu và kỹ thuật công nghệ có xu hướng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc giao kết hợp đồng bằng phương thức truyền thống đang dần được thay thế bằng phương thức điện tử. Đặc biệt, với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp thích ứng bằng cách lựa chọn ký kết hợp đồng bằng phương thức điện tử để đảm bảo an toàn và hạn chế tiếp xúc.”
Thay vì ký kết hợp đồng theo phương thức truyền thống bằng chữ ký sống, hiện nay các bên trong hợp đồng có thể ký kết hợp đồng thông qua các phương thức điện tử. Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005, “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005”. Trong đó, “thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” và “Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự”.
“Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng phương pháp truyền thống”. Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005, “chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký”.
Thực tế hiện nay, hợp đồng có thể được ký kết bằng phương thức điện tử thông qua 03 cách thức sau đây:
Để tạo lập chữ ký số, các bên sẽ sử dụng nền tảng và thiết bị chuyên dụng (thường là USB token) do công ty cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, sau đó chữ ký này sẽ được chèn vào dưới dạng điện tử vào hợp đồng cần ký.
Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, chữ ký số được được xem là một loại chữ ký điện tử. Chữ ký số nếu đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật thì trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức.
Hiện nay, pháp luật mới chỉ công nhận hiệu lực của các hợp đồng được giao kết bằng phương thức điện tử sử dụng chữ ký số. Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định 130/2018/NĐ-CP, giá trị pháp lý của chữ ký số được quy định như sau:
Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định 130/2018/NĐ-CP và 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử không quy định cụ thể về chữ ký scan và chữ ký hình ảnh. Do đó, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh không được đương nhiên xem là một loại chữ ký điện tử. Điều này dẫn đến các hợp đồng giao kết bằng phương thức điện tử bằng chữ ký hình ảnh hoặc chữ ký scan không đương nhiên có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, pháp luật cũng không có quy định cụ thể nào không công nhận hiệu lực của các hợp đồng ký bằng hai loại chữ ký nêu trên, cũng không thể loại trừ hiệu lực của văn bản, giao dịch được ký bằng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh nếu giao dịch đó đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Xét về tính hợp lý thì các hợp đồng được bằng chữ ký hình ảnh hoặc chữ ký scan vẫn được xem là có hiệu lực pháp luật miễn sao như các chữ ký đó thể hiện ý chí và sự tự nguyện của người ký và người có thẩm quyền ký kết các hợp đồng này, bởi các lý do như sau:
Do đó, các quy định tại Bộ luật dân sự 2015 đã hình thành nên cơ sở pháp lý cho việc sử dụng hai loại chữ ký scan và chữ ký hình ảnh để giao kết hợp đồng. Cách tiếp cận này đã phần nào giới hạn các rủi ro hợp đồng bị vô hiệu khi có vấn đề liên quan đến hình thức của hợp đồng.
Thực tế xét xử tại Việt Nam cho thấy, tòa án sẽ cân nhắc, chú trọng nhiều hơn đến việc xác định ý chí của các bên trong hợp đồng khi giao kết hơn là hình thức của sự chấp thuận đối với nội dung đó. Do đó, mặc dù pháp luật chưa có các quy định cụ thể về chữ ký scan hay chữ ký hình ảnh, nhưng việc giao kết hợp đồng bằng hai loại chữ ký này không đương nhiên bị cấm.
Nói tóm lại, việc tận dụng các tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện ký kết hợp đồng, giải quyết các khó khăn, tiết kiệm chi phí cho các bên của hợp đồng trong việc tiếp cận ký kết, là một giải pháp phù hợp và hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.