Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau như thương mại, tạo tài sản cố định, thực hiện dự án đầu tư… và tương ứng với từng mục đích nhập khẩu khác nhau thì việc kê khai hải quan, tính thuế nhập khẩu cũng sẽ khác nhau. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho Quý khách những thông tin tổng quan và lưu ý đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

1. Sơ lược các bước nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam

Nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam nhìn chung bao gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa

Mỗi nhóm hàng hóa có một cơ chế nhập khẩu khác nhau. Do đó, doanh nghiệp cần xác định đúng loại hàng hóa nhằm tiến hành đúng và đầy đủ các thủ tục liên quan trước/trong khi nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần xem xét kỹ hàng hóa có thuộc các nhóm sau đây hay không:

  • Hàng hóa bị cấm nhập khẩu như vũ khí, ma túy, hóa chất nguy hại…
  • Hàng hóa thuộc diện phải xin cấp phép kiểm tra chuyên ngành: Ví dụ như hàng hóa là thịt động vật, thủy sản cần phải được kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh dịch tễ; đồ điện tử, máy móc thiết bị phải kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật…
  • Hàng hóa phải có Giấy phép nhập khẩu, bao gồm hai loại là giấy phép nhập khẩu tự động, giấy phép nhập khẩu không tự động.
  • Hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện: Hàng hóa phải đáp ứng điều kiện khi nhập khẩu nhưng không cần phải có giấy phép nhập khẩu.

Bước 2: Xác định mã HS

Mã HS là mã phân loại của hàng hóa, là căn cứ dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trường hợp Công ty chưa chắc chắn về mã HS của hàng hóa dự định nhập khẩu thì có thể gửi yêu cầu xác định trước mã HS tới cơ quan Hải quan Việt Nam để bảo đảm về tính chính xác của mã HS, tránh việc hàng hóa không được thông quan hay vi phạm về nghĩa vụ thuế.

Bước 3: Xác định các loại thuế, phí liên quan

Sau khi đã xác định chính xác mã HS của hàng hóa. Doanh nghiệp cần xác định hàng hóa của mình sẽ chịu các loại thuế nào, thuế suất là bao nhiêu. Tùy thuộc vào loại hàng hóa nhập khẩu mà doanh nghiệp có thể phải chịu một hoặc các loại thuế sau đây:

  • Thuế nhập khẩu – xác định theo mã HS.
  • Thuế giá trị gia tăng – áp dụng với hầu hết hàng hóa nhập khẩu.
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt – áp dụng với một số loại hàng hóa không được khuyến khích.
  • Thuế bảo vệ môi trường – đối với hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường.
  • Một số loại thuế khác như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…

Bước 4: Đăng ký/ xin cấp phép

Đăng ký/ xin cấp phép để nhập khẩu hàng hóa, Quý khách thực hiện các việc sau:

  • Phải có Công ty nhập khẩu, cá nhân không được phép trực tiếp nhập khẩu.
  • Đăng ký sử dụng chữ ký số tại trang web của Tổng Cục Hải quan.
  • Đăng ký sử dụng hệ thống Thông quan Tự động (“VNACCS”).
  • Đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành: Đăng ký kiểm tra chuyên ngành.
  • Đối với hàng hóa thuộc diện nhập khẩu theo giấy phép: Xin cấp giấy phép nhập khẩu.

Bước 5: Khai tờ khai hải quan, nộp thuế, thông quan

Có thể nộp tờ khai hải quan trước ngày hàng hóa tới cửa khẩu hoặc trong vòng 30 ngày tính từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu.

Sau khi tờ khai hải quan được truyền đến Hệ thống VNACCS, hệ thống sẽ tự động phân luồng:

  • Luồng xanh: Miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và hàng hóa.
  • Luồng vàng: Công ty phải nộp thêm một số hồ sơ như vận đơn, phiếu đóng gói, tờ khai giá trị, hóa đơn, giấy phép, giấy chứng nhận xuất xứ… để Hải quan kiểm tra.
  • Luồng đỏ: Công ty phải nộp thêm một số giấy tờ như với luồng vàng. Thêm vào đó, Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa.

Sau quá trình này, Công ty tiến hành nộp các loại thuế, phí liên quan và thông quan hàng hóa.

2. Lưu ý khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam

Tương ứng với từng mục đích nhập khẩu khác nhau thì việc kê khai hải quan, tính thuế nhập khẩu cũng sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, theo tinh thần của pháp luật xuất nhập khẩu, doanh nghệp phải tự chịu trách nhiệm với nội dung kê khai bao gồm cả trường hợp thực hiện thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ kê khai hải quan, bởi thực tế doanh nghiệp mới là chủ hàng hóa.

Chính vì vậy, ngay cả khi thông qua bên thứ ba để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa thì doanh nghiệp cũng cần kiểm soát được các nội dung liên quan đến việc nhập khẩu nhằm loại trừ các rủi ro mà với tư cách là chủ hàng hóa, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu.

2.1 Một số sai sót thường xảy ra trong giai đoạn kê khai hải quan

  • Khai sai tên hàng, mã số HS, xuất xứ hoặc thuế suất của hàng hóa nhập khẩu.
  • Khai sai số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa so với thực tế.
  • Nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện (giấy phép nhập khẩu).

2.2 Doanh nghiệp khi có nhu cầu nhập khẩu cần

  • Xác định hàng hóa nhập khẩu có thuộc diện cấm, hạn chế hay cần giấy phép chuyên ngành để được thông quan hay không, tránh tình trạng hàng về tới cửa khẩu nhưng không tiến hành thủ tục nhập khẩu được, điều này trên thực tế phát sinh khá nhiều;
  • Xác định loại hình nhập khẩu tương ứng (với mỗi mục đích nhập khẩu sẽ có mã loại hình tương ứng);
  • Thuế suất tương ứng với từng mục đích nhập khẩu.

Việc khai sai, khai thiếu thường sẽ dẫn đến việc thiếu số tiền thuế phải nộp và vô hình trung doanh nghiệp bị xếp vào danh sách các doanh nghiệp vi phạm, quá trình nhập khẩu sau đó thường sẽ bị chuyển qua phân luồng vàng (kiểm tra hồ sơ, chứng từ) hoặc luồng đỏ (kiểm tra thực tế hàng hóa). Với một số máy móc, thiết bị tạm nhập ban đầu và khi không có nhu cầu sử dụng và tái xuất thì việc tiêu thụ nội địa sẽ gặp nhiều khó khăn bởi hồ sơ nhập khẩu ban đầu đã áp mã HS, tính thuế, loại hình nhập khẩu không đúng với thực tế. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng cần phải hiểu và nắm rõ được các thông tin về nhập khẩu, bởi điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được quá trình nhập khẩu bao gồm cả kết quả công việc mà bên thứ ba thực hiện.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.