LĨNH VỰC đầu tư
Một Số Lưu Ý Cho Các Doanh Nghiệp Tạm Ngưng Hoạt Động Theo Chỉ Thị Của Thành Phố Hồ Chí Minh Trong Thời Gian Thực Hiện Chỉ Thị 16
Exemptions And Assistance Being Provided To Businesses Affected By The Covid-19 Pandemic

Theo chỉ thị số 2337, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp nếu không đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch. Quyết định này nhằm đối phó với tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn các quận huyện và ngăn chặn nguy cơ lây lan lớn của dịch bệnh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các doanh nghiệp khác.”

Hoạt động sản xuất, Điều kiện để được xem là đáp ứng phòng chống dịch đối với các doanh nghiệp để được tiếp tục hoạt động là đảm bảo thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗăn tại chỗnghỉ ngơi tại chỗ. Hoặc các doanh nghiệp có thể chọn phương án chỉ vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở tập trung của công nhân tại ký túc xá, khách sạn, …

Như vậy, từ 0h giờ 15/7/2021, các doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu như trên thì phải dừng hoạt động đến khi có chỉ đạo mới. Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề đối với các chủ doanh nghiệp trong việc vận hành hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội trên toàn thành phố.

Đối với quan hệ lao động, ngoại trừ những ngành nghề có thể triển khai làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến, đối với các doanh nghiệp khác, chủ doanh nghiệp nên thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Đối với trường hợp này để giảm bớt gánh nặng cho người sử dụng lao động và cả người lao động thì Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, nếu đáp ứng điều kiện tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì sẽ được nhận tiền hỗ trợ tùy theo thời hạn tạm ngưng làm việc. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ giảm bớt trở ngại khi thương lượng việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với người lao động của mình. Do đó, chủ doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng lập danh sách các lao động phải tạm ngưng làm việc do dịch bệnh để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận xem xét và sớm tiến hành hỗ trợ.

Bảo hiểm xã hội, Thêm vào đó, về chính sách bảo hiểm xã hội, có ba khoản tiền được giảm trong giai đoạn COVID-19 là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Hợp đồng thương mại, bên cạnh vấn đề đối nội đối với người lao động thì các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng với đối tác của mình. Nhưng liệu doanh nghiệp có được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng do tác động của dịch bệnh hay không thì cần phải có sự đánh giá cụ thể vào từng tình hình của mỗi doanh nghiệp. Sự kiện bất khả kháng được quy định là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Để chứng minh doanh nghiệp không thể thực hiện được nghĩa vụ trong thời gian dịch bệnh COVID-19 thì doanh nghiệp cần kết hợp xem xét các quy định pháp luật liên quan về hợp đồng và rà soát nội dung hợp đồng đã ký kết, đặc biệt là các điều khoản về các trường hợp không thể thực hiện hoặc chậm thực hiện hợp đồng và quy ước về sự kiện bất khả kháng của các bên trong hợp đồng.

Trường hợp nhận định doanh nghiệp mình thuộc trường hợp bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng thì việc đầu tiên doanh nghiệp cần lưu ý là hãy xem lại các thỏa thuận của mình với đối tác liên quan đã được ghi nhận trong hợp đồng liên quan đến phương thức xử lý khi một trong các bên gặp sự kiện bất khả kháng để thực hiện. Trong đó một điều mà doanh nghiệp thường không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận là thực hiện nghĩa vụ thông báo cũng như có cơ sở để chứng minh doanh nghiệp đã tìm moi cách trong khả năng có thể để hạn chế sự ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng. Chính việc không thực hiện đúng nội dung tại hợp đồng đã dẫn đến cho doanh nghiệp rủi ro bị đối tác, khách hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng.

Lưu ý rằng không mặc định doanh nghiệp rơi vào tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh hoặc các quyết định của cơ quan nhà nước thì đều được hiểu rằng doanh nghiệp đang gặp sự kiện bất khả kháng để miễn trừ hoặc tạm ngưng nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Liên hệ PLF để được tư vấn