Ngày 01/04/2021, Chính Phủ ban hành Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp thay thế cho Nghị định 81/2015/NĐ-CP, Nghị định 93/2015/NĐ-CP, Nghị định 96/2015/NĐ-CP, Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg.
Bài viết này sẽ chỉ ra một số điểm mới đáng chú ý liên quan đến doanh nghiệp mà nghị định này hướng tới.
Về doanh nghiệp xã hội, Nghị định 47/2021/NĐ-CP bổ sung và quy định rõ hơn rằng doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.
Theo đó, Nghị định 47/2021/NĐ-CP cũng có quy định về việc chịu trách nhiệm cho việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nêu trên. Cụ thể, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm.
Về chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội, Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Sau khi thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp xã hội kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày doanh nghiệp xã hội được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Về chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết và giải thể doanh nghiệp xã hội, số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với nguồn tài sản, tài chính mà doanh nghiệp xã hội đã nhận phải trả lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ; chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự hoặc chuyển giao cho Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự.
Về công bố thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về phương tiện công bố thông tin báo cáo công bố thông tin, bao gồm:
(i) Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;
(ii) Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu; và
(iii) Cổng thông tin doanh nghiệp.
Trường hợp thời điểm thực hiện công bố thông tin trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin vào ngày làm việc đầu tiên ngay sau ngày nghỉ, ngày lễ kết thúc.
Về các thông tin cần công bố định kỳ, trước đây chỉ quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Nghị định mới đã bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp do Nhà nước năm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và các doanh nghiệp này phải công bố định kỳ các thông tin sau đây:
(i) Thông tin cơ bản về doanh nghiệp và Điều lệ công ty;
(ii) Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm theo nội dung quy định tại Biểu số 3 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;
(iii) Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 06 tháng của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 5 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 7 hằng năm;
(iv) Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức hằng năm của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 6 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;
(v) Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp; thời hạn công bố trong vòng 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Về việc sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty, Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về việc góp vốn như sau:
Việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp (tức doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên) bao gồm trường hợp sau:
(i) Cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới.
(ii) Cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập.
(iii) Cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.
Như vậy có thể thấy, Nghị định 47 đã cụ thể hóa các vấn đề chưa được ghi nhận rõ tại thời điểm luật cũ có hiệu lực, điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng trong quá trình vận hành quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên do đây là những đối tượng đặc biệt về mục đích hoạt động cũng như vốn, chính vì vậy sự quản lý của nhà nước thực sự khá chặt chẽ, hiểu rõ quy định sẽ giúp doanh nghiệp loại trừ được các rủi ro bao gồm tự sự thanh tra, kiểm tra bởi cơ quan nhà nước.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.