LĨNH VỰC ĐẦU TƯ

Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động dịch vụ khách sạn tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động dịch vụ khách sạn tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài hoạt động dịch vụ khách sạn tại Việt Nam

Cùng với chiến lược phát triển du lịch của Chính phủ, số lượng lượt khách nước ngoài đến thăm Việt Nam ngày càng gia tăng lên đến 18,1 triệu lượt khách quốc tế ở giai đoạn trước thời kỳ Covid-19. Điều này đã thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam bùng nổ kéo theo đó là hạ tầng du lịch và đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng phát triển. Hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng trong ngành khách sạn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, có thể kể đến như Marriott International, InterContinental Hotels Group, Hilton Hotels & Resorts, … Bài viết này sẽ cung cấp các điều kiện tổng quan để nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh trong dịch vụ khách sạn tại Việt Nam.

Điều kiện tiếp cận thị trường

Theo cam kết WTO thì Việt Nam không hạn chế phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khi cung cấp dịch vụ khách sạn và nhà hàng bao gồm dịch vụ xếp chỗ ở khách sạn (CPC 64110), điều này cũng được cam kết tương tự tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

Với cam kết này của Việt Nam, các nhà đầu tư có thể:

  • Thành lập doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài; hoặc
  • Mua lại 100% phần vốn góp/cổ phần đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Phạm vi hoạt động và các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam

Theo luật du lịch thì cơ sở lưu trú du lịch là nơi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.

Khách sạn là một loại hình cơ sở lưu trú và được phân loại như sau:

(i) Khách sạn nghỉ dưỡng: được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;

(ii) Khách sạn bên đường: khách sạn gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;

(iii) Khách sạn nổi: khách sạn neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;

(iv) Khách sạn thành phố: được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.

Kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn) được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (200), theo đó:

  • Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
  • Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
  • Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch, bao gồm như:
    • Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung;
    • Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường;
    • Có bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nổi, khách sạn bên đường;
    • Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
    • Có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

Khách sạn được tự nguyện đăng ký xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia như sau:

  • Hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao được cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và công nhận;
  • Hạng 04 sao và hạng 05 sao được Tổng cục Du lịch thẩm định và công nhận.

Các bước thành lập công ty

Việc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn tại Việt Nam, thường được thực hiện qua các phương án như sau:

Phương án 1: Nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp từ các khách sạn, dự án có sẵn.

Phương án 2: Tiếp nhận các khách sạn sẵn có để quản lý và kinh doanh.

Phương án 3: Thành lập dự án/công ty mới.

Trên thực tế các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn phương án 1 để sở hữu các khách sạn, bởi vì các hạn chế trong việc thuê, sử dụng đất đai giới hạn cho nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến việc nhà đầu tư có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình xin các giấy phép cho dự án tại phương án 3. Ngoài ra, phương án 2 thường được các nhà cung cấp dịch vụ quản lý khách sạn lớn trên thế giới sử dụng khi thâm nhập thị trường khách sạn cao cấp tại Việt Nam để mở rộng mạng lưới của mình mà không phải mất nhiều chi phí cho việc sở hữu tài sản, đất đai và tránh các thủ tục phức tạp về giấy phép.

Các điểm cần lưu ý

  • Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch.
  • Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật.
  • Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
  • Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.