LĨNH VỰC lao động
Những Lưu Ý Khi Người Lao Động Nước Ngoài Làm Việc Tại Việt Nam – Kỳ I
Notes For Foreign Workers In Vietnam

Việt Nam được đánh là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khu vực. Với nền kinh tế năng động và chi phí sống hợp lý, Việt Nam dần trở thành điểm đến lý tưởng để sinh sống và làm việc của các công dân toàn cầu. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 4-2021, có 101.550 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, con số này ngày càng gia tăng theo dòng vốn FDI vào Việt Nam. Vậy người lao động nước ngoài và các doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”

1. GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

  • Điều kiện để được làm việc tại Việt Nam:
  • Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
  • Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
  • Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Có thể thấy ngoài những yêu cầu thông thường như độ tuổi, sức khỏe, năng lực làm việc thì một trong những yêu cầu bắt buộc để được làm việc tại Việt Nam là người nước ngoài phải có giấy phép lao động. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định khoảng 11 hình thức làm việc và 4 vị trí công việc (Nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giám đốc điều hành) của người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích vào hình thức làm việc “thực hiện hợp đồng lao động” – là một trong những hình thức làm việc phổ biến nhất, một số điểm lưu ý đối với việc xin giấy phép lao động trong trường hợp này như:

  • Trách nhiệm của người sử dụng lao động: Doanh nghiệp trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Thời hạn của giấy phép lao động: Tối đa là 02 năm và chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.
  • Hợp đồng lao động:
  • Loại hợp đồng: Xác định thời hạn
  • Thời hạn hợp đồng: Tối đa 2 năm
  • Thời điểm ký kết hợp đồng lao động: sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.
  • Người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.

Lưu ý:

  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
  • Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Chi phí (lương, thưởng, phụ cấp, …) mà doanh nghiệp chi trả cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà chưa có giấy phép lao động sẽ không được tính là chi phí của doanh nghiệp.

2. TẠM TRÚ

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để được nhập cảnh vào Việt Nam thì người nước ngoài phải chứng minh mục đích nhập cảnh. Một trong những mục đích được phê duyệt nhập cảnh vào Việt Nam đó là lao động – nghĩa là vào Việt Nam làm việc.

Sau khi được cấp giấy phép lao động, người lao động sẽ dễ dàng xin được thẻ tạm trú với thời gian cư trú dài hạn tại Việt Nam. Thẻ tạm trú có giá trị thay thị thực:

  • Thời hạn: không quá 2 năm theo thời hạn của giấy phép lao động
  • Ký hiệu: LĐ2
  • Phải do công ty được ghi trên giấy phép lao động bảo lãnh.

3. THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Pháp luật Việt Nam căn cứ vào thời gian cư trú tại Việt Nam để tính thuế thu nhập cá nhân với 2 nhóm là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Với mỗi loại sẽ có cách tính thuế thu nhập cá nhân khác nhau:

  • Cá nhân cư trú: Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam; hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam.
  • Cá nhân không cư trú: Không thuộc trường hợp cá nhân cư trú.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân:

  • Cá nhân cư trú:

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối cư trú được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, cụ thể như sau:

Bậc thuếPhần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)Thuế suất (%)
1Đến 60Đến 55
2Trên 60 đến 120Trên 5 đến 1010
3Trên 120 đến 216Trên 10 đến 1815
4Trên 216 đến 384Trên 18 đến 3220
5Trên 384 đến 624Trên 32 đến 5225
6Trên 624 đến 960Trên 52 đến 8030
7Trên 960Trên 8035
  • Cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân không cư trú là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Thuế TNCN: bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%

Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam  thực hiện theo công thức sau:

(i) Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam=Số ngày làm việc cho công việc tại Việt NamxThu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)+Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam
Tổng số ngày làm việc trong năm

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.

(ii) Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam=Số ngày có mặt ở Việt NamxThu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)+Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam
365 ngày

Căn cứ để doanh nghiệp khấu trừ chi phí chi trả cho người lao động nước ngoài:

Theo hướng dẫn từ Tổng Cục thuế thì trường hợp doanh nghiệp có thuê lao động nước ngoài để thực hiện các công việc tại Việt Nam nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động thì không tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần hiểu rõ các thông tin nêu trên để dự liệu ngay từ ban đầu khi lên kế hoạch sử dụng lao động nước ngoài, nhằm loại trừ các rủi ro liên quan đến việc lưu trú hợp pháp tại Việt Nam, các vấn đề thuế của lao động cũng như cho chính doanh nghiệp.

Lưu ý rằng các vấn đề thuộc về lao động nước ngoài được quản lý khá chặt chẽ từ các cơ quan có liên quan. Vì vậy, các hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình lao động tại các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài thường xuyên được thực hiện, nhằm giám sát sự tuân thủ của doanh nghiệp đã bảo lãnh người lao động trong thời gian làm việc tại Việt Nam.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Liên hệ PLF để được tư vấn