Trong thực tiễn kinh doanh hiện nay, ngay từ trước thời điểm doanh nghiệp được thành lập, các thành viên góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần (sau đây gọi chung là “cổ đông”) ngày càng có nhu cầu ký kết thỏa thuận cổ đông – một văn bản giữa các cổ đông nhằm quy định cụ thể các vấn đề về quản trị, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thỏa thuận. Tuy nhiên, về tính chất pháp lý, thỏa thuận cổ đông lại là một khái niệm còn tương đối mới ở Việt Nam và chưa được quy định trong pháp luật về doanh nghiệp. Vậy thỏa thuận cổ đông là gì và việc thiết lập thỏa thuận này có ảnh hưởng như thế nào đến việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây.

1. Định nghĩa Thỏa thuận cổ đông

Liên quan đến khái niệm “thỏa thuận cổ đông”, do pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể và mục đích cũng như thời điểm xác lập thỏa thuận này cũng rất đa dạng.

Dựa trên nhiều quan điểm khác nhau, có thể hiểu Thỏa thuận cổ đông là thỏa thuận giữa các cổ đông của công ty về vấn đề liên quan tới công ty và/hoặc quyền lợi của cổ đông. Thỏa thuận có thể được lập trước hoặc sau khi doanh nghiệp được thành lập, trong đó, quy định bổ sung và/hoặc cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số điều khoản riêng biệt nhằm gia tăng quyền lợi cho một nhóm cổ đông tham gia thỏa thuận hoặc nhằm góp phần quản trị công ty hiệu quả, là cơ sở giải quyết tranh chấp khi có xung đột nội bộ. Trong phạm vi bài viết này, thỏa thuận cổ đông được xem xét dưới góc độ là thỏa thuận được xác lập trước khi thành lập công ty và dựa trên thỏa thuận này, các cổ đông mới cùng tiến hành thành lập công ty.

Liên quan đến nội dung của thỏa thuận cổ đông, nội dung của thỏa thuận cổ đông thông thường sẽ xoay quanh các vấn đề như quy định cụ thể hơn về quyền biểu quyết – một quyền của cổ đông theo Luật doanh nghiệp, việc chuyển nhượng cổ phần và các hoạt động điều hành, quản lý công ty.

2. Đánh giá về vai trò của Thỏa thuận cổ đông

Thỏa thuận cổ đông không phải là một văn bản được quy định trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư vì vai trò và mục đích của nó. Tồn tại song song và độc lập với điều lệ của công ty, thỏa thuận cổ đông, tùy theo nội dung cụ thể mà các cổ đông hướng đến khi xác lập, có thể nhằm mục đích phân chia quyền lợi giữa các cổ đông tham gia thỏa thuận mà vẫn đảm bảo bảo mật so với tính công khai rộng rãi của điều lệ công ty, làm cơ sở để các cổ đông ký kết có thể kiểm soát việc chuyển nhượng cổ phần, tạo thuận lợi khi cổ đông tham gia biểu quyết hay các hoạt động điều hành công ty sau này.

3. Phân tích các hạn chế về chuyển nhượng cổ phần

Về việc chuyển nhượng cổ phần, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ một số hạn chế nhất định theo quy định của Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì lý do muốn các cổ đông phải có sự cam kết gắn bó nhất định với công ty nên thỏa thuận cổ đông có thể có nội dung hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần trong thời gian nhất định, hoặc nhằm tránh việc công ty rơi vào sự kiểm soát của các nhà đầu tư bên ngoài thì các cổ đông sáng lập thỏa thuận nếu muốn bán cổ phần thì phải ưu tiên bán cho các cổ đông hiện hữu trước mặc dù số cổ phần này không thuộc trường hợp bị hạn chế theo Luật doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng việc thỏa thuận hạn chế chuyển nhượng này đang đi ngược lại quy định của pháp luật Doanh nghiệp và điều lệ hoạt động, chính vì vậy việc áp dụng trên thực tế sẽ không khả thi.

4. Phân biệt giữa điều lệ và thỏa thuận cổ đông

Về việc quản lý công ty, thỏa thuận cổ đông có thể có những điều khoản về việc chỉ định nhân sự nắm giữ các chức danh quản lý trong công ty, quyền quyết định hoặc phản đối những vấn đề quan trọng của công ty như sửa đổi, bổ sung điều lệ; tái cấu trúc, tổ chức lại doanh nghiệp; định đoạt tài sản có giá trị lớn; thực hiện hoạt động đầu tư có quy mô lớn; ký kết các hợp đồng có khả năng ảnh hưởng đến tài sản của công ty,…

Nhà đầu tư cần hiểu rằng Điều lệ có vai trò như “luật” của mỗi doanh nghiệp, là khung pháp lý được pháp luật công nhận để quản lý và điều chỉnh cách thức tổ chức và hoạt động của công ty. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, công ty phải có điều lệ. Ngược lại, thỏa thuận cổ đông không phải là văn bản bắt buộc phải có trong hệ thống hồ sơ nội bộ công ty. Thỏa thuận cổ đông được soạn thảo và thiết lập giữa các cổ đông sáng lập, đưa ra khuôn khổ sơ bộ về quyền và nghĩa vụ nhất định của cổ đông. Do Luật doanh nghiệp không có quy định điều chỉnh thỏa thuận cổ đông, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận này sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật về hợp đồng nếu thỏa thuận cổ đông đáp ứng điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Tầm quan trọng của thỏa thuận cổ đông

Thực tiễn cho thấy với môi trường kinh doanh ngày càng đa dạng và không ngừng phát triển thì việc điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng theo đó mà ngày càng trở nên phức tạp, do đó xu hướng xảy ra tranh chấp giữa các cổ đông cũng vì vậy mà tăng theo như một hệ quả tất yếu. Để hạn chế được hệ quả không mong muốn này cũng như có được cơ sở rõ ràng, minh bạch để các cổ đông giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty, nhu cầu xác lập thỏa thuận cổ đông dần trở thành một hướng đi cần thiết và hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế.

Khi Luật doanh nghiệp có những quy định cụ thể để điều chỉnh thỏa thuận cổ đông, chắc chắn rằng giá trị của thỏa thuận này sẽ được củng cố và sự tôn trọng của các bên tham gia thỏa thuận cũng đồng thời được nâng cao, vừa đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm của những người quản lý doanh nghiệp và quyền lợi của cổ đông khi tham gia vào thỏa thuận này.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.