LIÊN HỆ LUẬT SƯ

Bùi Công Thành (James)

Bùi Công Thành (James)

Luật Sư Điều Hành
+84913 747 197 Email: thanhbc@plf.vn
Nguyễn Thị Phong Lan (Megan)
+84906 910 309 Email: lan.nguyen@plf.vn

Thực hiện Nghị quyết số: 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, các khu công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, các yếu tố về hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, thủ tục hành chính… đã được cải thiện đáng kể; các khu công nghiệp mới được xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại, có chiều sâu tổng thể, thu hút nguồn vốn cả trong nước và nước ngoài đổ về, đặc biệt là các công ty, tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực công nghiệp.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý nhà đầu tư một số thông tin cơ bản liên quan đến lựa chọn đầu tư vào khu công nghiệp tại Việt Nam.

1. Các loại hình khu công nghiệp

Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật. Khu công nghiệp bao gồm:

1.1. Khu chế xuất

Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định Số: 82/2018/NĐ-CP.

Khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Khu chế xuất có ranh giới địa lý được xác định trong Quyết định thành lập Khu chế xuất, nhưng biệt lập với các vùng lãnh thổ ngoài Khu chế xuất bằng hệ thống tường rào.

1.2. Khu công nghiệp hỗ trợ

Khu công nghiệp hỗ trợ là khu công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư vào ngành nghề công nghiệp hỗ trợ thuê, thuê lại tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp.

Khu công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm phụ trợ, cung cấp các dịch vụ phụ trợ cho các sản phẩm công nghiệp, qua đó liên kết hệ thống các khu công nghiệp, tạo điều kiện sản xuất tập trung, đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng hoặc lắp ráp sản phẩm; gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cũng như mức độ chủ động của một nền kinh tế.

1.3. Khu công nghiệp sinh thái

Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Mô hình khu công nghiệp này hướng tới việc phát triển dài hạn, mang tính bền vững, trung hòa giữa lợi ích tức thời, cục bộ và lợi ích chung, lâu dài dựa trên cơ sở đảm bảo hoạt động sản xuất phải đảm bảo các biện phát giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hạn chế xả thải, sử dụng hợp lý đi đôi với bảo tồn, giữ gìn các nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên.

2. Đặc điểm của khu công nghiệp

2.1 Về không gian và cơ sở hạ tầng

Các khu công nghiệp đều có một ranh giới cụ thể, được ngăn cách với khu dân cư và các khu vực khác bằng hệ thống tường rào của khu công nghiệp. Mọi hoạt động sản xuất sẽ được giới hạn ở bên trong khu công nghiệp; Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp được xây dựng phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ liên quan, phục vụ cho công nghiệp. Theo đó, cơ sở hạ tầng được quy hoạch một cách tổng thể, đồng bộ, giúp quá trình sản xuất hoạt động liên quan diễn ra liền mạch

2.2 Việc thành lập và phát triển khu công nghiệp

Khu công nghiệp được thành lập thông qua việc xem xét kỹ lưỡng của các cơ quan nhà nước trên cơ sở quy hoạch do Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Nhà nước sẽ căn cứ vào các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất, các điều kiện để phát triển khu công nghiệp để ra quyết định thiết lập các khu công nghiệp. Từ các cơ sở này, các khu công nghiệp được thành lập phải tạo ra những môi trường đầu tư thuận lợi với hệ thống cơ chế – chính sách toàn diện, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng được các nhu cầu của nhà đầu tư và thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Các khu công nghiệp có thể được mở rộng nếu đáp ứng các yêu cầu liên quan đến quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quỹ đất, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng khả năng thu hút đầu tư cũng như tạo việc làm cho lao động.

2.3 Về chức năng của khu công nghiệp

Mỗi khu công nghiệp sẽ được quy hoạch và phát triển để phục vụ cho một số ngành nghề hoặc ưu tiên đối với nhóm nhà đầu tư có quốc tịch cụ thể, nhờ đó mà có sự đồng bộ và chuyên môn hóa cao, và hỗ trợ kịp thời, tạo ra chuỗi cung ứng liên tục trong sản xuất.

3. Vì sao nên đầu tư vào loại hình khu công nghiệp?

3.1 Vị trí địa lý thuận lợi

Không gian khu công nghiệp do có ranh giới được hoạch định sẵn và ngăn cách với khu dân cư, lại có hệ thống đường xá, công trình được quy hoạch thống nhất, thường gần các cảng biển, điểm trung chuyển hàng hóa, hoặc có hệ thống giao thông thuận tiện để vận chuyển hàng hóa đến các điểm này.

3.2 Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Được quy hoạch đồng bộ, hệ thống đường bên trong khu công nghiệp bao gồm đường trục chính, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống giao thông liên kết xung quanh khu công nghiệp đều được hoàn thiện; mạng lưới điện – nước bao gồm cả hệ thống cấp phát điện dự phòng, hệ thống xử lý nước và rác thải; hệ thống thông tin liên lạc, an ninh, phòng cháy chữa cháy cho đến bến bãi… được đầu tư bài bản, hoàn thiện.

3.3 Khu công nghiệp có nhiều ưu đãi đầu tư và chính sách quản lý thông thoáng

Với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế quan, miễn hoặc giảm tiền thuê đất; điều kiện đầu tư, trình tự đầu tư, hỗ trợ về giá cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp. Do đó, việc lựa chọn và đầu tư vào khu công nghiệp phù hợp là một lựa chọn hoàn hảo đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

3.4 Nhiều tiện ích và các dịch vụ phụ trợ

Bên cạnh ví trị, hạ tầng và ưu đãi đầu tư, các nhà đầu tư khi đầu tư vào các khu công nghiệp còn được hưởng nhiều lợi ích từ ngành công nghiệp hỗ trợ và nguồn lực sẵn có có thể kể ra như có các bộ phận hỗ trợ về thủ tục, chính sách, hành chính, kế toán; có các doanh nghiệp phụ trợ hỗ trợ doanh nghiệp các khâu như nguyên vật liệu, bao bì, in ấn; tận dụng nguồn lực sẵn có về dây chuyền, kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước, hợp tác và trao đổi thông tin…

Dựa vào các đặc điểm và lợi thế của loại hình khu công nghiệp mà PLF cung cấp nêu trên, Quý nhà đầu tư có thể xem xét và đưa ra lựa chọn địa điểm phù hợp đề đầu tư vào Việt Nam, mang lại những lợi nhuận và giá trị lớn nhất.

Xem thêm Phần 1 và Phần 2 của chuỗi bài viết Tổng quan về các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.