Trong bài viết kỳ trước, nhà đầu tư phần nào đã đánh giá được các yếu tố quan trọng khi lựa chọn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo, bài viết này sẽ phân tích các đặc điểm, những thuận lợi về kinh tế, các chính sách ưu đãi mà Chính phủ áp dụng cho khu chế xuất (KCX). Theo đó, về khái niệm, khu chế xuất là KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Đồng thời, khu vực này được ngăn cách với khu vực bên ngoài và được áp dụng quy định như khu phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu.

1. Khu chế xuất Linh Trung (1 & 2)

KCX Linh Trung là dự án liên doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phía Trung Quốc là Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu điện khí Trung Quốc, phía Việt Nam là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận, được thành lập từ năm 1992 với tổng diện tích 2 khu là 123.7 ha.

Về vị trí

KCX Linh Trung I nằm tại Quận Thủ Đức, thuộc phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 62 ha, cách trung tâm thành phố 16 km, cách cảng khoảng 11 km, cách sân bay quốc tế 20km, nằm sát đường quốc lộ, vị trí địa lý thuận tiện. KCX Linh Trung II bắt đầu được khai thác vào tháng 5 năm 2000 và cách khu I khoảng 7km, có tổng diện tích là 61,7ha, cũng nằm tại Quận Thủ Đức.

Về tỷ lệ lấp đầy diện tích, là một trong những khu chế xuất có sức hút đầu tư nước ngoài lớn nhất và được thành lập từ lâu nên đến nay, tỷ lệ lấp đầy trong khu chế xuất Linh Trung đã đạt 100%, không còn diện tích đất sẵn sàng cho thuê.

Về ngành nghề

Chủ yếu là công nghiệp nhẹ với gia công sản phẩm và máy móc với các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Về cơ sở hạ tầng

Trong khu chế xuất cũng đã bố trí đầy đủ hệ thống giao thông đường nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp nước và xử lý nước thải cho doanh nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, các hoạt động trong khu chế xuất Linh Trung gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng với thời gian thuê đến năm 2050.

Một số doanh nghiệp tiêu biểu tại khu chế xuất Linh Trung

New Toyo (Singapore), Freetrend (Đài Loan), Vinawood (Mỹ), Theodore Alexander (BV Islands),..

2. Khu chế xuất Tân Thuận

KCX Tân Thuận (TTZ) được thành lập vào năm 1991, tọa lạc tại phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, nằm trên bán đảo riêng biệt và được bao quanh bởi sông Sài Gòn.

Về quy mô

TTZ là khu chế xuất đầu tiên trên cả nước tổng diện tích là 300 ha, trong đó diện tích đất còn cho thuê là 13 ha. Khu vực này được đánh giá là khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp tại Việt Nam nói chung và địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Về vị trí

TTZ chỉ cách trung tâm thành phố 4 km, cách khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng khoảng 1,5 km về phía Nam. Một trong những cảng container quốc tế lớn nhất – cảng VICT nằm ngay bên cạnh TTZ và chỉ cách Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất 13km, rất dễ dàng và thuận lợi cho vận chuyển hàng không. Như vậy, các nhà đầu tư trong khu chế xuất có thể tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển nội địa và cũng như không bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm.

Về giá thuê đất

Giá thuê đất trong KCX Tân Thuận là 5.917.600 VNĐ/m2 (tương đương 260 USD/m2) đối với đất KCX và 12.518.000 VNĐ/m2 (tương đương 550 USD/m2) đối với đất khu thương mại. Thời gian thuê đất đến hết ngày 23/09/2041 và diện tích thuê tối thiểu là 3000 m2. Ngoài ra, TTZ còn cho thuê văn phòng, nhà xưởng với giá dao động từ 125.180 ~147.940 VNĐ/m2/tháng (đối với nhà xưởng) và 318.640 VNĐ/m2/tháng (đối với văn phòng). Theo đó, cơ sở hạ tầng tại khu vực này cũng đã hoàn thiện với những tiện ích công cộng và lượng nhân công dồi dào.

Về ưu đãi thuế

Các nhà đầu tư đầu tư vào KCX Tân Thuận có thể được hưởng những ưu đãi về tài chính như sau:

  • VAT 0%;
  • Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu;
  • Miễn thuế xuất khẩu sản phẩm;
  • Không nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;
  • Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm 50% cho 9 năm tiếp theo;
  • Các doanh nghiệp khác nhận thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm.

Hiện nay, TTZ đang chuyển đổi mô hình để thu hút những ngành nghề có công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường như cơ khí, điện & điện tử, sản xuất trang thiết bị, linh kiện,…

Các công ty đang hoạt động trong khu chế xuất Tân Thuận 

Sanyo Semiconductor Co. Ltd (ngành nghề: điện tử – dụng cụ, thiết bị & linh kiện), Công ty TNHH Yasuda Fashion (Việt Nam) (ngành nghề: may mặc – sản xuất & buôn bán), Công ty TNHH Nidec Tosok (Việt Nam) (ngành nghề: động cơ điện – sản xuất & buôn bán), Công ty TNHH D & Y Technology Việt Nam (ngành nghề: nhựa – sản phẩm),…

3. Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh

 Tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) được thành lập ngày 24/10/2002, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập với quy mô 805 ha.

Về vị trí chiến lược

SHTP cách trung tâm thành phố 15 km, các cảng Cát Lái 4 km – là cảng lớn nhất TP.HCM, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 18 km. Đặc biệt kế cận Ðại học Quốc gia TP. HCM – nơi cung cấp nhân lực chất lượng cao cho thành phố và SHTP.

Về ngành nghề

SHTP tập trung mũi nhọn vào 04 nhóm ngành:

  • Vi điện tử – Công nghệ thông tin – Viễn thông;
  • Cơ khí chính xác – Tự động hóa;
  • Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường;
  • Năng lượng mới – Vật liệu mới – Công nghệ Nano.

Về các doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP

Thống kê cho thấy SHTP là điểm đến lý tưởng của nhiều dự án, tập đoàn công nghệ cao trên thế giới, trong đó có thể kể đến số lượng lớn các nhà đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như: Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ – 1,04 tỷ USD); Tập đoàn Nidec (Nhật Bản – 296 triệu USD); Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc – 2 tỷ USD), Tập đoàn Nipro (Nhật Bản – 300 triệu USD) … cùng khoảng 60% số lượng dự án từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển công nghệ cao.

Về chính sách ưu đãi

Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) trong 15 năm. Đối với dự án lớn, có đóng góp ý nghĩa cho phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của TP.HCM và Việt Nam, thời gian ưu đãi CIT lên đến 30 năm. Miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT bằng 0 đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án và cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Miễn thuế xuất khẩu và thuế GTGT bằng 0 cho sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, nhà đầu tư thuê đất được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng (thời gian miễn không quá 3 năm); Sau thời gian xây dựng, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất từ 15 năm đến 19 năm theo quy định.

Ngoài ra, khu vực này còn thu hút đầu tư bởi hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hoàn chỉnh, ổn định và hạ tầng xã hội hoàn thiện trong khu. Bên cạnh đó, SHTP còn có tiềm lực công nghệ khi thành lập các phòng thí nghiệm, Trung tâm đổi mới sáng tạo SHTP-Microsoft (SMIC), Xưởng thực hành tự động hóa “Factory Automation”,…để thu hút chuyên gia nước ngoài cũng như chuyên gia Việt kiều về làm việc.

Xem thêm Phần 1 của chuỗi bài viết về Tổng quan về các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh tại đây.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.