LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI

Những Rủi Ro Trong Hoạt Động Thương Mại Điện Tử
Và Nhu Cầu Bảo Hiểm Của Các Doanh Nghiệp

Những rủi ro trong hoạt động thương mại điện tử và nhu cầu bảo hiểm của các doanh nghiệp
Understanding The Risks In E-Commerce Business And The Need For Insurance To Eliminate Risks

Để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đã và đang tăng cường việc sử dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh các ưu điểm nổi bật như tiết kiệm chi phí thiết lập và duy trì hệ thống, thuận tiện hơn trong việc trưng bày sản phẩm, tiếp cận khách hàng so với hình thức cửa hàng truyền thống, thương mại điện tử vẫn tồn tại những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp. Để nắm được các rủi ro này cũng như nhu cầu bảo hiểm rủi ro tương ứng, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Trong mối quan hệ với người lao động, rủi ro thường thấy mà doanh nghiệp gặp phải đó chính là tổn hại về sức khỏe của người lao động trong khi làm việc cho doanh nghiệp. Ví dụ, nếu doanh nghiệp đang thuê một kho hàng để lưu giữ hàng hóa, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm nếu người lao động bị thương khi đang làm việc tại kho hàng. Chính từ rủi ro này, doanh nghiệp cần có bảo hiểm trách nhiệm của người sử dụng lao động như một biện pháp bảo vệ cần thiết.

Trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm

Các sản phẩm được doanh nghiệp kinh doanh có thể vô cùng đa dạng về chủng loại, tính chất và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, do bản chất không phải hàng hóa do chính doanh  nghiệp sản xuất mà đa dạng các chủng loại hàng hóa từ các nguồn khác nhau do đó thực tế sẽ là rất khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử kiểm soát được chất lượng hàng hóa. Nếu khách hàng gặp phải rủi ro bắt nguồn từ việc sử dụng sản phẩm từ cửa hàng trực tuyến của doanh nghiệp, rủi ro phát sinh từ việc bồi thường hoặc xảy ra các tranh chấp là hoàn toàn có thể xảy ra. Để hạn chế các thiệt hại cho chính mình thì hiện tại một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử đã tìm đến “ bảo hiểm” để bảo đảm cho chính doanh nghiệp trước các rủi ro về chất lượng sản phẩm.

Trách nhiệm an toàn thông tin trên không gian mạng

Các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử khi kinh doanh luôn đối diện với rủi ro liên quan đến an toàn thông tin khách hàng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp này thường lưu trữ một cơ sở dữ liệu lớn về thông tin của khách hàng vốn có bản chất là thông tin bí mật và được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với rủi ro liên quan đến việc những thông tin này bị truy cập và khai thác trái pháp luật. Bảo hiểm trách nhiệm an toàn thông tin không gian mạng sẽ góp phần bảo vệ doanh nghiệp trước hành vi xâm nhập cơ sở dữ liệu, qua đó giảm rủi ro tranh chấp pháp lý và thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp.

Trách nhiệm giao nhận và logistics

Trong xu hướng phát triển của thương mại điện tử, không thể không đề cập đến một hoạt động luôn đồng hành và phát triển song song cùng thương mại điện tử chính là hoạt động giao nhận hàng hóa và logistics. Việc vận chuyển và giao hàng hóa trong thương mại điện tử thường được thực hiện bởi các doanh nghiệp kinh doanh logistics. Vì vậy, bảo hiểm trách nhiệm giao nhận cũng góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình hàng hóa được vận chuyển từ kho đến khách hàng, vốn là một giai đoạn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể làm phát sinh tranh chấp giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Gian lận thanh toán

Bên cạnh tiềm năng phát triển lớn của thương mại điện tử, doanh nghiệp cũng đồng thời phải đối mặt với một trong những rủi ro từ gian lận thanh toán. Trong môi trường mạng, các hành vi nhằm mục đích gian lận thanh toán xảy ra đa dạng, tinh vi và phức tạp hơn nhiều so với hình thức thương mại truyền thống, trong đó mối đe doạ lớn nhất là rủi ro bị tiếp cận và khai thác các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng hoặc các thông tin giao dịch sử dụng thẻ tín dụng trong quá trình thực hiện các giao dịch qua mạng trên các thiết bị điện tử. Hệ quả của rủi ro này có thể dẫn đến khoản tín dụng mới được xác lập trái pháp luật dưới tên của những chủ thẻ bị khai thác thông tin mà chính bản thân họ cũng không hề biết. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin để giúp cơ quan có thẩm quyền xác định đối tượng có hành vi trái pháp luật. Không những vậy, hoạt động của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến lợi nhuận suy giảm. Với khối lượng các giao dịch thanh toán trực tuyến phát sinh ngày càng nhiều như hiện nay, bảo hiểm gian lận thanh toán được xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến gian lận giao dịch và bảo vệ doanh nghiệp khỏi những tổn thất về tài chính.

Khi một hoặc một số các rủi ro nêu trên đồng thời xảy ra, thiệt hại đối với doanh nghiệp có thể rất lớn cả về uy tín, thời gian và chi phí để khôi phục hoạt động trở lại bình thường. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm ứng phó kịp thời với rủi ro và các giải pháp bảo hiểm cần thiết để hạn chế tác động của các rủi ro sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng khi doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

We would be delighted to schedule a meeting to provide you with an effective solution.