Khi nói đến việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong giao dịch thương mại, bên cạnh tố tụng toà án, các phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế (alternative dispute resolution-ADR) nói chung và phương pháp giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại nói riêng đang ngày càng được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Số liệu thống kê các tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Việt Nam (VIAC) là một minh chứng rõ ràng về sự phổ biến trong xu hướng áp dụng ADR ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2020, 211 tranh chấp với tổng giá trị là 17,021 tỷ VNĐ đã được giải quyết tại VIAC tăng gấp 3,5 lần so với số vụ tranh chấp được ghi nhận vào năm 2010 là 63 vụ[1]. Đây là những con số biết nói.

Để giúp doanh nghiệp nắm rõ và bắt kịp xu hướng giải giải quyết tranh chấp trên, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ cung cấp cho người đọc những hiểu biết chung nhất về một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam – Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại, đồng thời đưa ra những ưu việt của nó so với phương pháp giải quyết tranh chấp truyền thống tại toà án.

1. Phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) là gì?

Một trong những cách hiểu được thừa nhận rộng rãi của Alternative Dispute Resolution đó là việc các bên trong tranh chấp tự mình hoặc thông qua các bên thứ ba để giải quyết tranh chấp mà không thông qua phương pháp giải quyết tranh chấp truyền thống là toàn án. Theo định nghĩa trên, phương pháp giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại được xem là một hình thức giải quyết tranh chấp thay thế và được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức trọng tài được phép hoạt động theo quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh phương pháp giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại, một phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế khác là hoà giải cũng được sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây bởi các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Quy định của pháp luật về hoạt động trọng tài thương mại

Theo khung pháp lý Việt Nam, hoạt động trọng tài thương mại được điều chỉnh bởi Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 (“Luật TTTM”) và các nghị định hướng dẫn, (i) Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài Thương mại (“Nghị định 63”), (ii) và Nghị định 124/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63 (“Nghị định 124”). Xét về mặt bản chất, mặt dù được xem là một hình thức giải quyết tranh chấp thay thế ngoài phạm vi Toà án, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn dựa trên các văn bản pháp luật hiện hành để đưa ra các phán quyết liên quan đến nội dung tranh chấp. Nói cách khác, mục tiêu của Luật TTTM và các nghị định hướng dẫn chủ yếu đưa ra khung pháp lý liên quan đến trình tự và thủ tục khi giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại, bên cạnh vấn đề về hiệu lực và cho thi hành phán quyết trọng tài.

Ngoài các quy định của pháp luật nội địa, Việt Nam còn là thành viên của Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ngày 10 tháng 06 năm 1958 (“Công nước New York”). Mặt dù vậy, theo số liệu do Bộ Tư Pháp công bố, tính từ thời điểm 01/01/2012 đến ngày 30/09/2019, số lượng yêu cầu công nhận thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là 82, trong đó số lượng yêu cầu bị toà án có thẩm quyền ở Việt Nam từ chối là 30 vì nhiều lý do khác nhau[2].

3. Hiệu lực pháp luật và thi hành phán quyết trọng tài

Theo quy định tại Điều 61, Luật TTTM, “phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày được ban hành”. Khác với bản án của Toà án, một trong các bên có thể làm thủ tục kháng cáo lên toà án cấp cao hơn để xem xét lại nội dung của bản án trong trường hợp không đồng ý với bản án của Toà án đã xét xử, phán quyết trọng tài không thể được kháng cáo hoặc xem xét lại đối các vấn đề liên quan đến nội dung.

Cũng theo quy định trên, phán quyết của trọng tài sẽ có hiệu lực kể từ ngày được ban hành. Đây là một điểm khác biệt giữa phán quyết của trọng tài và bản án của Toà án. Cụ thể, trong đa số các trường hợp bản án được tuyên bởi Toà án cấp sở thẩm chỉ có hiệu lực sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có bên nào kháng cáo hoặc không được kháng nghị theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, thời hạn này theo quy định của pháp luật hiện hành là 30 ngày kể từ ngày toà án sơ thẩm ban hành bản án.

Mặc dù các nội dung chính trong phán quyết trọng tài không thể được kháng cáo, hoặc xét xử lại, các bên có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài thực hiện sửa chữa, giải thích và bổ sung phán quyết. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những điều chỉnh này sẽ không làm thay đổi cơ bản nội dung của phán quyết trọng tài đã được ban hành. Phạm vi yêu cầu sửa chữa, giải thích, bổ sung phải thuộc các trường hợp sau:

  • Sửa chữa về lỗi chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong phán quyết;
  • Giải thích về một điểm cụ thể hoặc phần nội dung của phán quyết;
  • Ra phán quyết bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi nhận trong phán quyết.

Bên cạnh vấn đề hiệu lực pháp luật đã phân tích ở trên, việc thi hành phán quyết trọng tài, từ đó đảm bảo bên có nghĩa vụ thực hiện đúng như nội dung được đề cập trong phán quyết cũng là một vấn đề cần phải xem xét.

Xuất phát từ bản chất là tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp, các bên được khuyến khích “tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài”, trước khi phán quyết trọng tài được thi hành bởi Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền dựa trên đơn yêu cầu của bên được thi hành án. Xét về vấn đề thi hành, mặc dù không được ban hành bởi Toà án, pháp luật Việt Nam vẫn có cơ chế để thi hành hoặc cưỡng chế thi hành trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ phải thi hành theo phán quyết trọng tài. Cơ chế và thủ tục thi hành phán quyết trọng tài được quy định quy định cụ thể tại Luật Thi hành án Dân sự 2008 (được sửa đổi và bổ sung năm 2014) được áp dụng chung cho trường hợp thi hành án đối với bản án dân sự được tuyên bởi Toán.

Nhìn chung, dựa trên khung pháp lý hiện nay về hoạt động trọng tài thương mại và thực tiễn áp dụng, phán quyết được ban hành bởi hội đồng trọng tài có giá trị pháp lý và ràng buộc đối với các bên, đồng thời, việc thi hành phán quyết trọng tài cũng được đảm bảo thông qua hệ thống cơ quan thi hành án.

4. Ưu điểm và các lưu ý khi lựa chọn trọng tài thương mại làm phương thức giải quyết tranh chấp

4.1 Ưu điểm

Trong tranh chấp về thương mại giữa các bên là doanh nghiệp, việc lựa chọn trọng tài thương mại có những ưu điểm nhất định so với phương pháp giải quyết tranh chấp truyền thống.

Tinh giản về mặt thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp: Các vấn đề liên quan đến hình thức như đơn yêu cầu trọng tài, thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, quy trình nộp hồ sơ chứng cứ, xử lý hồ sơ, và phiên họp giải quyết tranh chấp tương đối đơn giản. Sự đơn giản về mặt thủ tục dẫn đến việc rút ngắn thời gian trung bình để xử lý một tranh chấp. Trên thực tế, đối với một tranh chấp thương mại điển hình, thời gian giải quyết tranh chấp có thể dao động trong khoảng từ 3 đến 4 tháng tuỳ thuộc vào độ phức tạp, số lượng đương sự, cũng như việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của các bên có liên quan.

Linh động trong ngôn ngữ và địa điểm: Tuỳ thuộc vào nhu cầu của mình, các bên có thể cân nhắc lựa chọn ngôn ngữ và địa điểm mà các bên nhận thấy thuận tiện nhất cho việc giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, một số trung tâm trọng tài còn áp dụng hình thức mở các phiên họp giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện kỹ thuật số như: Zoom, Google Meet… mà không cần trực tiếp đến trung tâm trọng tài hoặc một địa điểm nhất định.

Khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài: Cùng với sự gia tăng của những giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài, việc lựa chọn pháp luật áp dụng để điều chỉnh giải quyết tranh chấp cũng là một vấn đề được các bên quan tâm. Theo đó, luật cho phép các bên lựa chọn pháp luật được áp dụng để giải quyết tranh chấp, trong trường hợp các bên không có thoả thuận, hội đồng trọng tài sẽ quyết định áp dụng luật mà hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất. Việc lựa chọn luật này phải tuân theo các quy tắc của tư pháp quốc tế.

4.2 Một số lưu ý

Để áp dụng có hiệu quả phương pháp giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài, các bên cần lưu ý liên quan đến điều khoản hoặc thoả thuận trọng tài.

Trước hết, các bên cần xác định tranh chấp có thuộc phạm vi xét xử của hội đồng trọng tài hay không. Theo quy định hiện nay, một tranh chấp có thể được giải quyết bởi trọng tài khi tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc có ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Nói cách khác, tranh chấp dân sự thông thường giữa các cá nhân hoặc pháp nhân sẽ không thể giải quyết thông qua hình thức trọng tài.

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo vào đàm phán hợp đồng, các bên cần phải có điều khoản quy định rõ việc các bên thống nhất lựa chọn cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp. Điều khoản trọng tài mẫu thường bao gồm các nội dung cơ bản sau:

  • Trung tâm trọng tài được các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp
  • Địa điểm giải quyết trọng tài
  • Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp
  • Ngôn ngữ giải quyết tranh chấp
  • Số lượng trọng tài viên của hội đồng trọng tài

[1] Thống kê hoạt động giải quyết tranh chấp năm 2020 do VIAC công bố tại: https://www.viac.vn/thong-ke/thong-ke-hoat-dong-giai-quyet-tranh-chap-nam-2020-s36.html

[2] ‘Cơ sở dữ liệu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài: https://moj.gov.vn/tttp/Pages/dlcn-va-th-tai-Viet-Nam.aspx?fbclid=IwAR1wTsvb5Sl_61pjUiNMLqyP3XoWsNlzAi_GgZCsp1D44t0a8Rl5eF4pqAM

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.