Luật Sở hữu trí tuệ đã có những quy định khá chi tiết về các quyền sở hữu trí tuệ (“QSHTT”) cũng như các hành vi xâm phạm QSHTT để doanh nghiệp có thể nhận diện mỗi khi xảy ra vi phạm có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đặt trong mối quan hệ làm công – ăn lương giữa Người lao động (“NLĐ”) và Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) thì dường như các hành vi vi phạm của NLĐ đối với QSHTT của NSDLĐ chủ yếu tập trung váo các nhóm QSHTT về quyền tác giả, quyền có liên quan đến quyền tác giả và bí mật kinh doanh – một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Bởi vì pháp luật không đặt ra yêu cầu đăng ký đối với các đối tượng nêu trên, do đó, việc áp dụng các biện pháp bảo mật đối với các đối tượng nêu trên là một trong những yếu tố cốt lõi trong xác lập và khai thác quyền sở hữu công nghiệp trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong một số trường hợp, với vị trí của NLĐ, họ có điều kiện tiếp cận hoặc có khả năng sao chép hoặc tiết lộ một cách bất hợp pháp các đối tượng này ra bên ngoài mà các đối tượng này thuộc quyền sở hữu của NSDLĐ. Có thể thấy rằng, ảnh hưởng từ sự vi phạm QSHTT của NLĐ đối với doanh nghiệp là khôn lường vì đối với nhiều doanh nghiệp, QSHTT là tài sản có giá trị nhất trong doanh nghiệp, quyết định sự tồn tại hay chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù khi NLĐ xâm phạm QSHTT của doanh nghiệp, NSDLĐ có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với NLĐ. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là một cách xử lý tạm thời của NSDLĐ chứ không phải là một chiến lược bảo vệ lâu dài lợi ích của doanh nghiệp. Bởi vì, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề hoặc doanh nghiệp có thể phải chấm dứt hoạt động khi toàn bộ giá trị tài sản của doanh nghiệp là QSHTT đã bị cung cấp cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ QSHTT của mình trước nguy cơ bị NLĐ xâm phạm?
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục xác lập QSHTT đối với các đối tượng được bảo hộ trong thời gian sớm nhất theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa có kiểu dáng thiết kế riêng biệt như ô tô, xe máy, cần đăng ký cấp văn bằng bảo hộ cho quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp ngay khi kiểu dáng các sản phẩm mới được công ty nghiên cứu và phát triển xong. Điều này giúp tránh nguy cơ NLĐ cung cấp cho đối thủ cạnh tranh khi sản phẩm chưa kịp đăng ký bảo hộ dẫn đến tổn thất nặng nề.
Thứ hai, ngay khi tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động với NLĐ, doanh nghiệp và NLĐ cần có thỏa thuận và ghi nhận về việc xác lập quyền sở hữu đối với các đối tượng của QSHTT. Cụ thể, thỏa thuận cần quy định mọi đối tượng sở hữu trí tuệ mà NLĐ tạo lập liên quan trực tiếp đến công việc là tài sản của doanh nghiệp và doanh nghiệp là chủ sở hữu duy nhất của các tài sản SHTT mà NLĐ sáng tạo ra trong thời gian làm việc cho doanh nghiệp và thỏa thuận này có giá trị ràng buộc và tiếp tục có hiệu lực ngay cả khi quan hệ lao động giữa NLĐ và doanh nghiệp đã chấm dứt.
Thứ ba, doanh nghiệp cần ký kết các thỏa thuận với NLĐ như thỏa thuận bảo mật thông tin, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Thỏa thuận bảo mật thông tin sẽ xác định rõ các thông tin mà NLĐ phải bảo mật cũng như ghi nhận phương thức quản lý sử dụng các thông tin này. Trên thực tế, không bị phụ thuộc vào thời hạn của HĐLĐ, khi NLĐ vi phạm bất kỳ nội dung nào liên quan đến cam kết bảo mật thông tin thì phía doanh nghiệp có cơ sở để buộc NLĐ phải chịu trách nhiệm bao gồm cả nghĩa vụ về bảo mật thông tin.
Thứ tư, doanh nghiệp nên xây dựng các chính sách về liên lạc bằng các phương thức điện tử trong nội bộ của mình. Theo đó, doanh nghiệp sẽ xác định rõ toàn bộ các thông tin dữ liệu, thư điện tử lưu trên máy tính, hệ thống thông tin nội bộ mà NLĐ được phép tiếp cận là tài sản của doanh nghiệp và doanh nghiệp có toàn quyền kiểm soát, đánh giá mà không loại trừ bất kỳ NLĐ nào. NLĐ được yêu cầu phải tuân thủ và hợp tác để NSDLĐ có thể truy xuất và kiểm soát các thiết bị mà NLĐ sử dụng bất kỳ lúc nào nếu thấy cần thiết. Các chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ các thông tin tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử nhằm ngăn ngừa ý định chuyển tải thông tin là tài sản được bảo hộ QSHTT của doanh nghiệp qua các phương thức điện tử (như sao chép từ máy tính sang thiết bị lưu trữ khác hoặc chuyển cho các bên thứ ba, v.v).
Có thể thấy rằng, trong thời đại phát triển công nghệ thông tin và kỹ thuật như hiện nay, QSHTT đã và đang dần trở thành tài sản quan trọng của doanh nghiệp, là một trong những yếu tố giúp khẳng định vị thế của chính doanh nghiệp trên thương trường cũng như nền tảng để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc bảo vệ QSHTT của doanh nghiệp theo đó cũng đang gặp nhiều thử thách. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có cách tiếp cận đúng đắn và lưu ý việc xây dựng các biện pháp chiến lược nhằm bảo vệ tối đa các sản phẩm trí tuệ và các quyền lợi liên quan hợp pháp của mình.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.