LĨNH VỰC PHÁP LÝ

Quy định mới khi cá nhân vận động từ thiện

Quy định mới khi cá nhân vận động từ thiện
Quy định mới khi cá nhân vận động từ thiện

Ngày 27 tháng 10 năm 2021, Chính phủ ban hành nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định này có giá trị thay thế cho Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2021.

Việc ban hành Nghị định nêu trên đã kịp thời khắc phục được những tồn tại trong hoạt động từ thiện thời gian qua tại Việt Nam. Theo đó, nghị định đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc hơn cho những Các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Bài viết sau đây sẽ đề cập đến những quy định nổi bật của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP trong việc vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân thực hiện.

1. Cá nhân đã là đối tượng điều chỉnh của nghị định

Nghị định số số 93/2021/NĐ-CP (“Nghị định mới”) đã bổ sung thêm đối tượng được vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, ngoài các đối tượng là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các cấp, Hội chữ thập đỏ Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị được các tổ chức này cho phép; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nghị định mới bổ sung các đối tượng sau:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân: Được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
  • Cá nhân: Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Có thể thấy, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (“Nghị định cũ”) không có quy định về việc cá nhân được vận động quyên góp tiền từ thiện.

Tuy nhiên, trên thực tế những năm trở lại đây, việc cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp tiền từ thiện ngày càng trở nên phổ biến nhưng vẫn chưa có quy định điều chỉnh việc vận động đóng góp của cá nhân cũng như cách thức vận hành đối với cá nhân. Mặt khác, việc không điều chỉnh nhưng vẫn không cấm, lại khuyến khích cá nhân làm từ thiện dẫn đến việc làm từ thiện của cá nhân không có nguyên tắc, không thống nhất, thậm chí vấn nạn trục lợi từ thiện đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của xã hội, gây nên những dư luận và hệ lụy xấu.

Do đó, nghị định mới đã điều chỉnh phù hợp, tạo ra cơ sở pháp lý đồng thời là cơ sở để quản lý việc vận động, quyên góp tiền của cá nhân, phù hợp với thực tế vận hành của đời sống, xã hội.

2. Quy định về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của cá nhân

    • Trách nhiệm thông báo

Thứ nhất, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông. Nội dung thông báo bao gồm thông tin về:

  • Mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động.
  • Tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật).
  • Đặc biệt, người vận động thiện nguyện phải có thời gian cam kết phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.

Thứ hai, gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu quy định để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Nội dung thông báo bao gồm các thông tin như được công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông.

  • Các yêu cầu mà cá nhân phải đáp ứng khi kêu gọi từ thiện

Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu sau:

  • Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện.
  • Bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận.
  • biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
  • Không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết.
  • Có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

3. Quy định về phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của cá nhân

Sau khi vận động và tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân phải thực hiện các công việc sau:

  • Thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp trường hợp cần thiết, cá nhân có thể liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể) (“UBND”)
  • Phối hợp với UBND xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và đảm bảo thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp thiện nguyện theo đúng nội dung đã cam kết. Nghị định cũng quy định, đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể thì cá nhân vẫn phải liên hệ và làm việc với UBND để xử lý các khoản đóng góp trên theo đúng quy trình, quy định.
  • Đối với nguồn đóng góp còn dư, cá nhân được yêu cầu bắt buộc phải xử lý như sau:
    • Thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng; hoặc
    • Chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.
  • Tự chi trả chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện (trừ trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý chi từ nguồn đóng góp tự nguyện).

4. Việc công khai và cung cấp thông tin đối với việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của cá nhân

Cá nhân khi thực hiện hoạt động thiện nguyện thông qua vận động, tiếp nhận từ nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm minh bạch trong thông tin như sau:

  • Tổng hợp và công khai khoản chi phí phục vụ cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện trong trường hợp không tự chi trả chi phí này.
  • Cá nhân đó phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
  • Công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.

Nội dung công khai, thời điểm công khai cũng được quy định rõ như sau:

  • Văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành.
  • Thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện.
  • Kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện:
    • Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận.
    • Công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng.
  • Đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
  • Cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với quy định của Nghị định 93/2021/NĐ-CP, hành lang pháp lý đối với cá nhân kêu gọi từ thiện đã được định hình, tạo điều kiện và cơ sở thuận lợi cho các cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; Giúp cho tinh thần tương thân tương ái được phân phát thuận lợi, công bằng hơn. Mặt khác, việc ban hành các quy định nêu trên cũng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý lĩnh vực không kém nhạy cảm này một cách hiệu quả, đồng bộ, tránh tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, đồng thời ngăn chặn sự biến tướng, trục lợi từ công việc mang tính thiện nguyện này.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

We would be delighted to schedule a meeting to provide you with an effective solution.