LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Quy định thời gian làm việc, giải lao và làm thêm giờ
theo Bộ Luật Lao động 2019

Quy định thời gian làm việc, giải lao và làm thêm giờ theo Bộ Luật lao động 2019
Quy định thời gian làm việc, giải lao và làm thêm giờ theo Bộ Luật lao động 2019

Đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và tuân thủ quy định về thời gian làm thêm cho người lao động theo pháp luật lao động hiện hành, mà vẫn đảm bảo năng suất lao động và kế hoạch kinh doanh vẫn là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm và cố gắng tìm ra những giải pháp phù hợp nhất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin và những doanh nghiệp có thời gian làm việc chênh lệch về múi giờ do địa điểm làm việc không chỉ ở Việt Nam mà còn được thực hiện ở các quốc gia khác. Vì vậy, bài viết này sẽ chia sẻ cho người đọc những quy định tổng quan về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và thời gian làm thêm được áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 (“Bộ Luật Lao động 2019”).

1. Thời giờ làm việc bình thường

Các quy định về thời giờ làm việc bình thường của Bộ luật Lao động 2019 về cơ bản không có sự thay đổi so với Bộ luật Lao động 2012, cụ thể như sau:

  • Tại Điều 105, Bộ Luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động trong ngày sẽ không quá 8 giờ và trong tuần sẽ không quá 48 giờ.
  • Ngoài ra, với vai trò là người sử dụng lao động, doanh nghiệp có thể quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc theo tuần. Nếu doanh nghiệp chọn chế độ thời gian làm việc theo tuần thì phải đảm bảo thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ /01 ngày và không quá 48 giờ/ tuần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất thực tế của doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp có thể phải linh hoạt áp dụng các hình thức làm việc khác nhau như (i) làm việc tại nhà, (ii) làm việc xen kẽ luân phiên tại nơi làm việc hay (ii) làm việc toàn thời gian trực tiếp tại nơi làm việc. Dẫn đến, doanh nghiệp phải xem xét và lựa chọn các phương án khác nhau để tính số giờ làm việc thực tế và mức lương được chi trả cho người lao động trong trường hợp người lao động làm việc tại nhà. Ví dụ như, tính lương cho người lao động với một tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ đã thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng với người lao động (áp dụng một tỷ lệ tính lương chỉ bằng khoảng 70% đến 80% mức lương thỏa thuận ban đầu) hoặc giảm số giờ làm việc của người lao động khi làm việc ở nhà mặc dù trên thực tế người lao động vẫn làm đủ 08 tiếng trong ngày. Theo đó, việc áp dụng các phương án này có thể xem là không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động 2019 nếu doanh nghiệp không xem xét đến năng suất lao động, chất lượng thực hiện công việc, không có bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với thỏa thuận của người lao động trước đó và cũng không ghi nhận bất kỳ quy định nào trong nội quy và các văn bản nội bộ. Vì vậy, doanh nghiệp cần thật sự cẩn trọng và lưu ý trong việc xây dựng quy định (ii) các hình thức làm việc khác nhau, (ii) cách tính thời giờ làm việc bình thường, thời gian làm thêm và (iii) cách tính lương cho các hình thức làm việc tương ứng trên nội quy lao động, các chính sách nội bộ và hợp đồng lao động nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật lao động hiện hành mà vẫn phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của doanh nghiệp.

2. Thời gian làm thêm

Vấn đề làm thêm giờ ngoài thời giờ làm việc bình thường được xem là sẽ ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, do đó để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định việc tổ chức làm thêm giờ của doanh nghiệp phải được sự đồng ý người lao động.

Ngoài ra, các điều kiện về số giờ làm thêm theo ngày, theo tháng và theo năm mà người sử dụng lao động phải đảm bảo tuân thủ đồng thời và cùng lúc như sau:

  • Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày;
  • Tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ 01 ngày; không quá 40 giờ /01 tháng nếu doanh nghiệp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần;
  • Số giờ làm thêm của người lao động theo năm sẽ không quá 200 giờ. Trong một số trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định, nếu doanh nghiệp thực hiện tổ chức làm thêm từ 200 giờ -300 giờ trong năm, doanh nghiệp cần phải thực hiện thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lao động cấp tỉnh.

Có thể thấy rằng để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ luật lao động 2019 đã mở rộng khung thỏa thuận về tổng số giờ làm việc bình thường và tổng số giờ làm thêm trong tháng lên 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/ tháng theo quy định của Bộ luật lao động 2012. Đồng thời, các trường hợp doanh nghiệp được phép làm thêm giờ cũng được các nhà lập pháp bổ sung thêm so quy định của Bộ luật lao động 2012 trước đây.

3. Thời gi nghỉ ngơi

Các quy định về thời giờ nghỉ ngơi trong Bộ luật Lao động 2019, bao gồm thời giờ nghỉ ngơi trong giờ làm việc, nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm cơ bản là không có sự thay đổi so với quy định tại Bộ luật Lao động 2012. Riêng đối với quy định về nghỉ lễ, tết, Bộ Luật Lao động 2019 cho phép người lao động được nghỉ thêm 01 ngày liền kề trước hoặc liền kề sau ngày Quốc khánh (02 tháng 9 dương lịch) nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm của người lao động lên 11 ngày thay vì 10 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 trước đây.

4. Yêu cầu ghi nhận thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trên hợp đồng và nội quy lao động của doanh nghiệp

Các quy định trên của Bộ luật Lao động 2019 là cơ sở pháp lí quan trọng để các các doanh nghiệp cụ thể hoá chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm phù hợp với điều kiện riêng của đơn vị mình. Đồng thời, trên tinh thần kế thừa các quy định của Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật Lao động 2019 cũng đã quy định, doanh nghiệp bắt buộc phải ghi nhận rõ ràng các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và thời gian làm thêm trong nội quy lao động cũng như hợp đồng giữa doanh nghiệp và người lao động.

Trên thực tế, khi thực hiện thủ tục đăng ký nội quy của doanh nghiệp, các Cơ quan quan lao động thường rà soát và kiểm tra gắt gao nội dung quy định về thời giờ làm việc bình thường, thời giờ nghỉ ngời và thời gian làm thêm của doanh nghiệp, đồng thời có thể yêu cầu doanh nghiệp giải trình thêm các nội dung trong nội quy lao động nhằm làm rõ cũng như phát hiện các vi phạm lao động của doanh nghiệp khi áp dụng các quy định này đối với người lao động.

Tóm lại, những quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và thời gian làm thêm được đưa ra với mong muốn rằng bảo vệ sức khỏe và lợi ích cho người lao động, vì vậy nếu doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoặc tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ tuyển thêm lao động nhằm đảm bảo năng lực sản xuất, vận hành cũng như tạo cơ hội việc làm cho các lao động khác mà vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và thời gian làm thêm của pháp luật lao động hiện hành. Vì vậy, khi xây dựng các chế độ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và tổ chức làm thêm giờ nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh trên thực tế, doanh nghiệp cần cẩn trọng áp dụng để tránh các vi phạm lao động liên quan đến việc không tuân thủ bất kỳ quy định nào về số giờ làm thêm trong ngày, tháng và năm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

We would be delighted to schedule a meeting to provide you with an effective solution.