LĨNH VỰC KINH DOANH

Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài
theo Luật đầu tư 2020

Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật đầu tư 2020
Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật đầu tư 2020

Nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư 2020 được xác định là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trước khi thực hiện có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư cần biết quyền và nghĩa vụ của mình tại một trong những thị trường năng động nhất thế giới này.

1. Quyền của nhà đầu tư

Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư có các quyền cơ bản sau:

  • Thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật đầu tư không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
  • Tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
  • Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
  • Nhà nước Việt Nam đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
  • Có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
  • Có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện.
  • Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
  • Chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư.
  • Thành lập/chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng BCC.
  • Chuyển ra nước ngoài các tài sản sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  • Hưởng các ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào các lĩnh vực được chính phủ khuyến khích.
  • Được cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ ba năm đến mười năm phụ thuộc vào khoản tiền đầu tư tại Việt Nam. Thẻ tạm trú này giúp các nhà đầu tư có thể sinh sống, làm việc và du lịch tại Việt Nam mà không cần phải xin thị thực.

2. Nghĩa vụ của nhà đầu tư

  • Tuân thủ pháp luật Việt Nam trong quá trình đầu tư kinh doanh.
  • Đảm bảo khả năng tài chính và góp vốn đầu tư theo đúng tiến độ dự án đã đăng ký.
  • Ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Đáp ứng các điều kiện đối với các ngành nghề yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh trong xuyên suốt quá trình đầu tư.
  • Kê khai và nộp đầy đủ các loại nghĩa vụ tài chính, thuế theo quy định.
  • Báo cáo dự án đầu tư theo quy định.
  • Phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.