Cùng với việc ký kết và đàm phán rất nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới, giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài ngày càng gia tăng. Song song với đó thực tế cũng phát sinh rất nhiều các tranh chấp thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp tại Việt Nam là một trong những bên liên quan. Điều này đặt ra các vấn đề thực thi các phán quyết của các trọng tài thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Bài viết này sẽ cung cấp các tổng quan về điều kiện và thủ tục để công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
1. Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
(i) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
(ii) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài chưa tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng được áp dụng trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
2. Các phán quyết tại Mục 1 phải thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:
(i) Phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.
(ii) Trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xác định theo quy định của Luật trọng tài thương mại của Việt Nam.
(iii) Không quá 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật (Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn).
(iv) Phán quyết không bị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xem xét hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài đó.
Người được thi hành (hoặc người đại diện hợp pháp của họ) có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam khi:
(i) Cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam; hoặc
(ii) Cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam; hoặc
(iii) Tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.
Để thực hiện việc công nhận và cho thi hành tại việt nam phán quyết của trọng tài nước ngoài cần thông qua các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Gửi đơn yêu cầu
Người được thi hành gửi đơn đến một trong các cơ quan sau:
(i) Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; hoặc
(ii) Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó.
Bước 2: Chuyển hồ sơ cho Tòa án
Trường đơn yêu cầu và hồ sơ được chuyển đến Bộ Tư pháp, thì Bộ Tư pháp phải chuyển cho Tòa án có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu quy định.
Bước 3: Thụ lý hồ sơ
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc nhận được đơn và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có đơn yêu cầu gửi đến, Tòa án có thẩm quyền xem xét, thụ lý và thông báo bằng văn bản cho:
(i) Người được thi hành, Người phải thi hành, Người đại diện hợp pháp tại Việt Nam;
(ii) Viện kiểm sát cùng cấp;
(iii) Bộ Tư pháp.
Trường hợp sau khi thụ lý mà Tòa án xét thấy việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam thì Tòa án đã thụ lý ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên yêu cầu đó trong sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự.
Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với quyết định này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
Bước 4: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Trong thời hạn 02 tháng và được gia hạn thêm tối đa không quá 02 tháng kể từ ngày thụ lý, Tòa án có quyền yêu cầu người được thi hành giải thích những điểm chưa rõ trong đơn, tùy từng trường hợp mà Tòa án ra một trong các quyết định sau đây:
(i) Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; hoặc
(ii) Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; hoặc
(iii) Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Phiên họp xét đơn yêu cầu phải được mở trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định (iii). Tòa án phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 15 ngày trước ngày mở phiên họp; hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án để mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Bước 5: Phiên họp xét đơn yêu cầu
Thành phần tham dự:
(i) Hội đồng xét đơn;
(ii) Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cùng cấp;
(iii) Người được thi hành, người phải thi hành (hoặc người đại diện hợp pháp của họ).
Cách thức thực hiện:
Bước 6: Gửi quyết định của Tòa án
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định tại Bước 5, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự (hoặc người đại diện hợp pháp của họ), Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát cùng cấp. Hoặc
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ việc giải quyết đơn yêu cầu, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự (hoặc người đại diện hợp pháp của họ), Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát cùng cấp.
Bước 7: Kháng cáo, kháng nghị (Nếu có)
Kháng cáo: Đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định tại Bước 5 trong thời hạn 15 ngày (trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) kể từ ngày Tòa án ra quyết định đó.
Kháng nghị: Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 07 ngày, của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định tại Bước 5.
Bước 8: Xét kháng cáo, kháng nghị (Nếu có)
Tòa án nhân dân cấp cao xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 01 tháng và tối đa được gia hạn thêm 02 tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Phiên họp xét lại quyết định bị kháng cáo, kháng nghị được tiến hành như phiên họp xét đơn yêu cầu tại Bước 5.
Hội đồng xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị có các quyền sau đây:
(i) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
(ii) Sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
(iii) Tạm đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị;
(iv) Đình chỉ giải quyết kháng cáo, kháng nghị;
(v) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm;
(vi) Hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu.
Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định và có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.
Có thể thấy quy trình công nhận và cho thi hành phát quyết của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như một vụ án và thời gian xử lý trên thực tế có thể kéo dài đến vài năm. Vì vậy, các bên trong các vụ việc tranh chấp cần đưa ra quyết định phù hợp để tối ưu hóa thời gian, chí phí cơ hội và tổn thất thực tế.
Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.