Trong nhiều trường hợp, kết quả của quá trình thẩm định pháp lý có thể là căn cứ để nhà đầu tư đưa ra quyết định tiếp tục thực hiện hay từ bỏ thương vụ M&A. Tùy theo loại giao dịch M&A là mua bán tài sản hay mua bán cổ phần mà nhà đầu tư cần lưu ý đến những vấn đề pháp lý quan trọng và chủ yếu mang tính quyết định trước khi tiến hành giao dịch M&A.

Khi tiến hành thẩm định pháp lý, đội ngũ tư vấn và các bên có liên quan sẽ tiến hành soát xét toàn bộ các vấn đề có liên quan về mặt pháp lý của công ty mục tiêu. Từ đó, báo cáo thẩm định pháp lý được xây dựng chi tiết, dẫn chiếu đến từng tài liệu, nêu rõ các phát hiện, đề xuất phương án giải quyết và phân loại mức độ rủi ro. Đối với các doanh nghiệp lớn, báo cáo thẩm định pháp lý sẽ bao gồm rất nhiều nội dung. Do đó, cần xác định các vấn đề pháp lý trọng yếu để cá nhân, bộ phận có thẩm quyền xem xét, đánh giá và đưa ra quyết định.

1. Xác định rõ đối tượng mục tiêu cần thẩm định

Bên cạnh những cách phân loại phổ biến khác, các giao dịch M&A có thể được chia thành 02 loại giao dịch cơ bản:

  • giao dịch mua bán cổ phần/phần vốn góp của doanh nghiệp mục tiêu hoặc
  • giao dịch mua bán tài sản.

Tùy vào loại hình giao dịch mà những vấn đề pháp lý cần được xem xét có thể rất khác nhau, cụ thể với giao dịch có đối tượng là cổ phần/ phần vốn góp của công ty mục tiêu, các vấn đề pháp lý cần xem xét sẽ xoay quanh công ty mục tiêu bao gồm tư cách pháp lý của công ty, tình hình góp vốn, tư cách của chủ sở hữu, sự tuân thủ quy định pháp luật của công ty mục tiêu,…

Trong khi đó, nếu đối tượng mà thương vụ M&A muốn hướng đến là một tài sản nhất định, thì những vấn đề pháp lý cần được xem xét cụ thể bao gồm hiện trạng của tài sản, tư cách pháp lý của chủ sở hữu,…Việc xác định rõ đối tượng mục tiêu của thương vụ M&A sẽ giúp các bên có thể tiết kiệm thời gian để tập trung xem xét vào những vấn đề pháp lý có liên quan.

2. Xem xét khả năng thực hiện của giao dịch về mặt pháp lý

Sau khi đã xác định được loại giao dịch và đối tượng mục tiêu cần được thẩm định, một trong những nội dung quan trọng về mặt pháp lý mà các bên phải xem xét đó là khả năng thực hiện thương vụ để bảo đảm việc vừa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư vừa tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, đa số các nhà đầu tư khi muốn thực hiện một thương vụ M&A sẽ hướng tới những mục tiêu cụ thể như nắm quyền kiểm soát công ty mục tiêu để thực hiện các hoạt động kinh doanh dự kiến hoặc tiến hành mở rộng thị trường,…

Trong trường hợp đối tượng mục tiêu là một tài sản nhất định, nhà đầu tư thường mong muốn sử dụng tài sản đó theo kế hoạch của họ sau khi thương vụ đã được hoàn tất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, sẽ có một số hạn chế trong các hoạt động kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện khi kinh doanh tại Việt Nam.

Ví dụ, giới hạn về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp mục tiêu hoạt động trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như dịch vụ quảng cáo, vận tải hàng hóa,… Trong trường hợp này nhà đầu tư cần xem xét về phần góp vốn/số cổ phần trong công ty mục tiêu mà họ muốn mua lại.

Ngoài ra, cũng cần phải nhắc tới những ngành nghề kinh doanh mà vốn đầu tư nước ngoài không được phép tham gia, ví dụ hoạt động báo chí, điều tra, an ninh,… Khi đó, dù nhà đầu tư có muốn tham gia thị trường đến mức nào nhưng việc thực hiện thương vụ một cách chính thức lại là bất khả thi.

Cuối cùng, cũng cần phải xem xét đến trường hợp thương vụ M&A với mục tiêu là quyền sở hữu/sử dụng một tài sản nhất định, trong đó phổ biến nhất là dự án bất động sản. Theo quy định pháp luật hiện hành, một dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thực hiện một số hoạt động kinh doanh nhất định như xây dựng nhà để ở hoặc để cho thuê,… Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về vấn đề này trước khi ra quyết định có thực hiện thương vụ hay không hoặc cấu trúc lại cơ cấu sở hữu sao cho phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Từ những phân tích nêu trên có thể thấy rằng, tùy thuộc vào đối tượng mục tiêu của thương vụ M&A mà quá trình thẩm định pháp lý cần xác định và xem xét khả năng thực hiện tương ứng của thương vụ để bảo đảm việc tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Lưu ý về phạm vi thông tin cần được cung cấp

Việc thẩm định nói chung và thẩm định pháp lý nói riêng là cần thiết bởi trong bối cảnh phần lớn các công ty tại Việt Nam tồn tại dưới quy mô vừa và nhỏ, không chịu nhiều sự giám sát của thị trường và tồn tại rất ít nguồn tin công khai để nhà đầu tư có thể đánh giá và đưa ra quyết định. Việc xác định phạm vi thông tin cần được cung cấp để thực hiện việc thẩm định pháp lý có thể dựa trên đối tượng mục tiêu mà thương vụ M&A muốn hướng đến.

Như đã phân tích ở tại phần trên của bài viết, tùy thuộc vào loại đối tượng mục tiêu (quyền kiểm soát công ty mục tiêu hay quyền sở hữu/sử dụng đối với một tài sản nhất định) mà những vấn đề cần xem xét trong quá trình thẩm định pháp lý sẽ khác nhau–kéo theo đó là sự khác nhau về phạm vi thông tin cần được cung cấp. Việc bên bán cung cấp đầy đủ thông tin liên quan sẽ giúp cho quá trình thẩm định pháp lý được thực hiện một cách thuận lợi hơn và làm tăng tính chân thực của báo cáo thẩm định.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, thông thường trong thực tế bên bán thường có xu hướng che giấu hoặc ngần ngại khi cung cấp những thông tin bất lợi liên quan đến đối tượng mục tiêu–những thông tin có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hoặc giá trị của thương vụ. Trong trường hợp này, nhà đầu tư và các bên có liên quan (luật sư, bên cung cấp dịch vụ pháp lý) cần có những biện pháp phù hợp để đảm bảo những thông tin được cung cấp là đầy đủ để thực hiện quá trình thẩm định pháp lý.

4. Vấn đề bảo mật thông tin trong suốt quá trình thẩm định pháp lý

Như đã phân tích ở trên, thông tin luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thẩm định nói chung và thẩm định pháp lý nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh, những thông tin về pháp lý có khả năng chứa đựng những yếu tố nhạy cảm và có thể tác động lớn đến tính khả thi của thương vụ.

Bên cạnh việc cố gắng thu thập đầy đủ các thông tin liên quan nhiều nhất có thể đế tiến hành quá trình thẩm định, các bên cũng cần lưu ý đến vấn đề bảo mật thông tin, bao gồm những thông tin được cung cấp và cả những thông tin rút ra được trong và sau quá trình thẩm định. Thực tế đã ghi nhận nhiều thương vụ M&A không thành công do vi phạm về bảo mật thông tin.

Để bảo đảm tính bảo mật, bên cạnh những cam kết không tiết lộ thông tin được các bên trong thương vụ M&A lựa chọn ký kết và tuân thủ trước khi quá trình thẩm định được tiến hành. Các bên cũng nên chú trọng đến phương thức cung cấp và truyền dẫn thông tin, có thể xem xét sử dụng phòng dự liệu ảo với giới hạn về đối tượng và thời gian được phép truy cập. Có thể kết luận rằng việc các bên càng chú trọng vào vấn đề bảo mật thông tin thì khả năng thành công của thương vụ càng được bảo đảm.

Thẩm định pháp lý luôn đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình thẩm định của một thương vụ M&A. Việc chú trọng những vấn đề trọng yếu trong quá trình này sẽ giúp các bên liên quan có thể tiến hành việc thẩm định một cách hiệu quả và chất lượng. Qua những phân tích trên, chúng tôi hy vọng đã cung cấp đến nhà đầu tư và các doanh nghiệp một số những vấn đề pháp lý trọng yếu cần lưu ý quá trình thực hiện thẩm định pháp lý của một thương vụ M&A.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.