LĨNH VỰC ĐẦU TƯ

Nhà đầu tư nước ngoài mở công ty du lịch tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài mở công ty du lịch tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài mở công ty du lịch tại Việt Nam

Với nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á mở cửa hoàn toàn đối với khách du lịch quốc tế. Theo báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế, kéo theo đó là sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Bài viết này sẽ cung cấp các điều kiện tổng quan để nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh trong dịch vụ lữ hành tại Việt Nam.

Điều kiện tiếp cận thị trường

Theo cam kết WTO thì Việt Nam không hạn chế phần vốn góp của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong liên doanh đối với dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch (CPC 7471), điều này cũng được cam kết tương tự tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

Với cam kết này của Việt Nam, các nhà đầu tư bắt buộc phải:

  • Liên doanh với một pháp nhân Việt Nam với tỷ lệ góp vốn không giới hạn; và
  • Nhà đầu tư nước ngoài phải là một pháp nhân (không phải là cá nhân).

Phạm vi hoạt động

Kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Việt Nam được chia thành các hoạt động sau:

  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.
  • Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, tuy nhiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo đó với mỗi loại hình kinh doanh dịch vụ lữ hành khác nhau thì nhà đầu tư sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh tương ứng.

Quy định của pháp luật Việt Nam

Kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (196), theo đó:

Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa yêu cầu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
  • Ký quỹ 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng tại ngân hàng.
  • Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế yêu cầu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
  • Ký quỹ 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng tại ngân hàng.
  • Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài mức ký quỹ là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

Các bước thành lập công ty

Việc thành lập công ty dịch vụ lữ hành, thường được thực hiện qua các bước như sau:

Bước 1: Xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Bước 2: Xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bước 3: Xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

Các điểm cần lưu ý

  • Doanh nghiệp cần công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử.
  • Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.
  • Hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan.
  • Thực hiện chế độ báo cáo và thống kê định kỳ: Ngày 20 tháng sau (đối với báo cáo tháng) và ngày 20 tháng 2 năm sau (đối với báo cáo năm).
  • Cá nhân nước ngoài không được hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.