Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan dễ dàng bị phát hiện hơn. Tuy vậy, việc xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan không có dấu hiệu suy giảm và được thể hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan có thể được giải quyết bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Trước khi áp dụng các biện pháp để giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan nên hiểu rõ để xác định một hành vi là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan dựa vào căn cứ nào. Các căn cứ được quy định tại Điều 64 Nghị định 17/2023/ND-CP như sau:

  • Đối tượng được xem xét là các tác phẩm đang được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý rằng, quyền tác giả phát sinh ngay tại thời điểm mà tác phẩm được định hình mà không cần phải đăng ký. Do đó, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm cần phải chứng minh được căn cứ phát sinh quyền của mình;
  • Có yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đối tượng được xem xét như sao chép vì mục đích thương mại không xin phép, mạo danh tác giả;
  • Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể của quyền tác giả, quyền liên quan trừ trường hợp đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện hành vi xâm phạm với các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan còn lại và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.

1. Biện pháp tự bảo vệ

Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có quyền tự mình áp dụng các biện pháp tự bảo vệ như yêu cầu cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm đó, yêu cầu gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai hoặc bồi thường thiệt hại.

Trường hợp, yêu cầu chấm dứt này không được đáp ứng, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan bị thiệt hại có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp sau:

2. Biện pháp dân sự

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực ngày 26/04/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan (“Nghị định 17”), biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự, cụ thể:

  • Yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã định hình; hoặc
  • Yêu cầu trọng tài thương mại giải quyết trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm có thỏa thuận trọng tài.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng một số biện pháp dân sự sau:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

3. Biện pháp hành chính

Chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan bị thiệt hại do hành vi xâm phạm của cá nhân, tổ chức khác có thể nộp đơn yêu cầu xử lý đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền tùy theo tính chất, mức độ của hành vi để áp dụng:

  • Phạt tiền;
  • Cảnh cáo;
  • Tịch thu hoặc buộc tiêu hủy các hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp khắc phục như:

  • Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn;
  • Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;
  • Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internetvà kỹ thuật số;
  • Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Lưu ý rằng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan là 02 năm kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm hoặc thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc từ thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến.

4. Biện pháp hình sự

Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc hàng hóa vi phạm từ 100 triệu đồng có thể bị phạt tiền, phạt cải tại không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù đến 05 năm. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị cấm hoặc đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhất định.

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định những biện pháp để đảm bảo quyền tác giả, quyền liên quan của cá nhân, tổ chức trước các hành vi xâm phạm nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giải trí, đảm bảo quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, để tránh tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm diễn ra, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần có những giải pháp cần thiết để ngăn chặn như tiến hành việc công bố tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình, đăng ký bản quyền với các cơ quan có thẩm quyền hoặc các biện pháp khác.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.