Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài và kinh doanh sản phẩm trên thị trường quốc tế. Nhu cầu đó đặt ra câu hỏi cho các doanh nghiệp Việt Nam về việc xây dựng và bảo vệ tên tuổi các mặt hàng tại thị trường quốc tế một cách hiệu quả và kinh tế. Việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam chính là câu trả lời cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này.

1. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam là gì?

Đăng ký quốc tế nhãn hiệu là việc đăng ký thông qua hệ thống đăng ký quốc tế Madrid. Hệ thống này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá nhiều tại các nước trên thế giới bằng cách chỉ cần nộp một đơn đăng ký và trả khoản phí để đăng ký bảo hộ ở tối đa 125 quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý, do đặc thù của việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính chất lãnh thổ, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở quốc gia nào thì chỉ được xem xét và bảo hộ ở quốc gia đó. Việc đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid không tương ứng với việc nhãn hiệu được bảo hộ trên toàn thế giới.

Đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam là việc doanh nghiệp dùng một đơn đăng ký nhãn hiệu cơ bản nguồn gốc Việt Nam để đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Hệ thống đăng ký quốc tế Madrid.

2. Thế nào là đơn đăng ký nhãn hiệu cơ bản? 

Có hai loại đơn đăng ký cơ bản được dùng để đăng ký nhãn hiệu quốc tế nguồn gốc Việt Nam gồm:

  • đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
  • nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.

Trường hợp công ty vẫn chưa nộp đăng ký nhãn hiệu cơ bản tại Việt Nam thì cần sớm nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu để sớm có thể tiến hành đăng ký nhãn hiệu quốc tế.

3. Quy trình, thủ tục đăng ký

3.1 Trước đăng ký

Trước khi bước vào giai đoạn đăng ký quốc tế nhãn hiệu nguồn gốc Việt Nam, doanh nghiệp nên xác định nhãn hiệu quan trọng, chủ đạo của công ty và gắn liền với sản phẩm sẽ kinh doanh tại thị trường quốc tế. Tiếp đó, doanh nghiệp nên xác định các thị trường dự định đăng ký bảo hộ như quốc gia mà công ty hiện đang kinh doanh và thị trường tiềm năng mà công ty muốn bảo hộ nhãn hiệu. Việc xác định chính xác các thông tin này sẽ hoạch định được chiến lược bảo hộ cho nhãn hiệu của công ty một cách lâu dài và loại bỏ từ đầu những rủi ro, tránh phải đăng ký mở rộng bảo hộ nhiều lần.

Trong giai đoạn này, đại diện sở hữu trí tuệ mà công ty lựa chọn sẽ tiến hành kiểm tra khả năng đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại quốc gia mà doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ, sau đây gọi là quốc gia chỉ định bảo hộ nhãn hiệu.

3.2 Giai đoạn đăng ký

Việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu nguồn gốc Việt Nam gồm giai đoạn trong nước và ngoài nước như sau

  • nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (“Cục SHTT”)
  • đơn đăng ký được Cục SHTT chuyển cho Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (“WIPO”) xem xét và các quốc gia chỉ định bảo hộ thẩm định nội dung nhãn hiệu để cân nhắc bảo hộ.

Từ 12 đến 18 tháng sau khi nhận được đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu Cục SHTT, các quốc gia chỉ định sẽ ra quyết định có bảo hộ nhãn hiệu đăng ký hay không. Trường hợp quá thời hạn để các quốc gia đưa ra quyết định mà không có quyết định nào được đưa ra, nhãn hiệu đó cũng sẽ được mặc nhiên bảo hộ tại quốc gia đó.

Nếu một Văn phòng SHTT của quốc gia chỉ định từ chối bảo hộ toàn bộ hoặc một phần nhãn hiệu đăng ký, quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định của các Văn phòng SHTT của quốc gia chỉ định bảo hộ khác.

Đối với hồ sơ đăng ký, tùy theo mỗi quốc gia chỉ định bảo hộ nhãn hiệu mà bộ hồ sơ đăng ký có thể yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác nhau. Tuy nhiên, một bộ hồ sơ cơ bản đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu bao gồm:

  • Tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam;
  • Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Mẫu MM2;
  •  Giấy ủy quyền;
  • Mẫu nhãn hiệu;
  • Tài liệu liên quan đến đơn đăng ký ban đầu (tờ khai đơn đăng ký hoặc bản sao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu);
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của chủ đơn đăng ký.

4. Bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia chỉ định

Đối với các đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid, kết quả bảo hộ nhãn hiệu tại từng quốc gia chỉ định sẽ được ghi nhận trên hệ thống tra cứu nhãn hiệu quốc tế của WIPO (website: https://www3.wipo.int/branddb/en/#)

Đăng ký quốc tế nhãn hiệu nguồn gốc Việt Nam được bảo hộ trong thời hạn 10 năm. Chủ đơn có thể gia hạn trực tiếp với WIPO cho đăng ký nhãn hiệu vào cuối mỗi giai đoạn 10 năm. Việc gia hạn này có hiệu lực tại các quốc gia chỉ định bảo hộ mà chủ đơn đăng ký gia hạn.

Việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế thường mất khá nhiều thời gian, từ hai đến ba năm để được các quốc gia chỉ định công nhận bảo hộ nhãn hiệu. Vì vậy, doanh nghiệp cần sớm tiến hành đăng ký nhãn hiệu và nhằm tránh những rủi ro từ việc nhãn hiệu bị xâm phạm, bị làm giả nhãn hiệu gây mất uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực tế không ít doanh nghiệp không lường trước được rủi ro từ việc nhãn hiệu đã bị đăng ký bảo hộ bởi một bên thứ ba khác tại thị trường nước ngoài, điều này sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp mất quyền kinh doanh hàng hóa đó tại thị trường mà ở đó nhãn hiệu đã bị đăng ký bảo hộ bởi một bên thứ ba khác.

Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, bên thứ ba thường sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền từ chối hoặc áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật nước ngoài khi bên thứ ba nhận thấy việ lưu hành sản phẩm sẽ gây ảnh hưởng cho chính bên thứ ba. Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và tại các quốc gia trên thế giới đưa ra nhiều quy định để bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu khi đã được đăng ký bảo hộ, vì vậy để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong tương lai thì việc bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường quốc tế thực hiện càng sớm càng tốt.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.