Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua phương thức Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.

1. Thỏa thuận trọng tài

Trọng tài không có thẩm quyền đương nhiên mà chỉ được giải quyết tranh chấp khi các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan thỏa thuận chỉ định. Khi các bên thiết lập một thỏa thuận trọng tài thì đồng nghĩa với việc họ đã trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Trọng tài. Lúc này tòa án sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó trừ khi thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ bởi chính các bên. Có thể thấy rằng, thẩm quyền của Trọng tài được xác lập trên cơ sở thỏa thuận trọng tài.

Tại khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng định nghĩa về thỏa thuận trọng tài như sau: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.”

Từ định nghĩa trên, có thể thấy thỏa thuận trọng tài là sự thống nhất ý chí của các bên về việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng bằng phương thức Trọng tài. Đây là một định nghĩa đơn giản, mang tính khái quát cao và có thể hiểu rằng thỏa thuận Trọng tài là sự thỏa thuận của các bên về phương thức giải quyết tranh chấp, có thể có trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra.

2. Đặc điểm của việc giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại

Một số đặc điểm của việc giải quyết tranh chấp giữa các bên thông qua phương thức Trọng tài thương mại có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu từ các bên trong tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài

Trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh, các bên đều có quyền yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp bằng Trọng tài. Đây là một trong những quy định đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết giải quyết của Trọng tài gồm:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp phát sịnh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có thực hiện hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Cần lưu ý đến các trường hợp có tồn tại thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài vô hiệu không thể thực hiện được theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Thứ hai, phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bảo mật thông tin

Theo đó thì khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quy định này có ý nghĩa trong điều kiện canh tranh của nền kinh tế thị trường hiện nay giữa các chủ thể kinh doanh. Đồng thời giải quyết được sự quan ngại của các bên trong việc giữ gìn uy tín, thương hiệu, bí mật kinh doanh, bí quyết công nghệ… của doanh nghiệp.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài đảm bảo sự kết hợp của hai yếu tố: Thỏa thuận và Phán quyết

Vì như đã đề cập ở trên thì thỏa thuận trọng tài là sự thống nhất ý chí của các bên khi có tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, các bên cũng có thể thống nhất lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên, địa điểm giải quyết tranh chấp hay luật hoặc ngôn ngữ áp dụng. Hơn nữa, phán quyết trọng tài là phán quyết có nội dung giải quyết toàn bộ nội dung của vụ tranh chấp và chấm dứt giai đoạn của tố tụng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Thủ tục tố tụng Trọng tài

Thủ tục tố tụng Trọng tài có những bước cơ bản và ít phức tạp hơn so với tố tụng Tòa án. Có thể tóm tắt các quy trình tố tụng Trọng tài theo các bước cơ bản sau:

Bước 1: Khởi kiện và tự bảo vệ

Tại bước này thì Nguyên đơn sẽ thực hiện gửi Đơn khởi kiện kèm theo những tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Trung tâm trọng tài. Lưu ý là cần thể hiện rõ được có sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài giữa các bên trong tranh chấp. Sau đó, Trung tâm trọng tài gửi Đơn khởi kiện và tài liệu liên quan cho Bị đơn. Bị đơn cần chuẩn bị và gửi Bản tự bảo vệ và Đơn kiện lại (nếu có) cho Trung tâm trọng tài theo thời gian quy định.

Bước 2: Thành lập Hội đồng trọng tài

Hội đồng trọng tài sẽ bao gồm ba Trọng tài viên. Nguyên đơn và Bị đơn mỗi bên chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên. Hai Trọng tài viên được các bên bầu chọn sẽ bầu chọn một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài thì Chủ tịch Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Bước 3: Hội đồng trọng tài nghiên cứu hồ sơ và tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp

Bước 4: Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài

Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp cuối cùng.

Nhìn chung, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức Trọng tài ngày càng được các bên ưu tiên sử dụng vì tính hiệu quả và các ưu điểm riêng biệt như tiết kiệm thời gian, đảm bảo bí mật kinh doanh, uy tín thương mại cho các bên hơn so với các phương thức giải quyết khác. Sở dĩ Trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy bởi xuất phát từ nguyên tắc tự định đoạt của các bên là nguyên tắc luôn được đề cao và được tôn trọng triệt để trong tổ tụng Trọng tài. Bên cạnh đó, phán quyết Trọng tài mang giá trị chung thẩm và có tính ràng buộc các bên trong tranh chấp phải tuân thủ thực hiện.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.