Trả lương cho người lao động là một trong những nghĩa vụ cơ bản nhất của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nguyên tắc, các hình thức trả lương cũng như phương pháp tính lương trong một số trường hợp vẫn thường gây nhầm lẫn cho doanh nghiệp.

Căn cứ vào quy định của Bộ luật Lao động, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Như đã đề cập ở trên, trả lương cho người lao động là nghĩa vụ cơ bản của người sử dụng lao động, tuy nhiên, để đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật khi thực hiện nghĩa vụ trên, một số vấn đề sau đây cần được lưu ý:

1. Nguyên tắc trả lương

  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
  • Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào thoả thuận giữa các bên, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
  • Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
  • Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
  • Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
  • Người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật, trừ trường hợp người sử dụng lao động khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật hoặc nội dung lao động.

2. Hình thức trả lương

Lương có thể được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàngTrường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

Người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận về hình thức trả lương theo thời gian làm việc, sản phẩm hoặc khoán. Trong đó, tiền lương khoán được trả cho người lao động căn cứ vào khối lượng công việc, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành công việc.

3. Kỳ hạn trả lương

Tuỳ thuộc vào hình thức trả lương đã được người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận lựa chọn, kỳ hạn tương ứng mà người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động cũng có sự khác biệt:

  • Người lao động hưởng lương theo tháng được trả mỗi tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thoả thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
  • Trường hợp người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
  • Người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên. Nếu công việc được thực hiện trong nhiều tháng thì người lao động phải được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. 

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nếu không được trả lương đầy đủ hoặc đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

4. Phương pháp tính lương trong một số trường hợp nhất định

4.1 Tiền lương thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc đó.

4.2 Tiền lương làm thêm giờ

Tiền lương làm thêm giờ của người lao động được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

  • Vào những ngày bình thường, ít nhất bằng 150%;
  • Vào cuối tuần, ít nhất bằng 200%;
  • Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

4.3 Tiền lương làm việc ban đêm (tính từ 22h00 đến 06h00 ngày hôm sau)

Người lao động làm việc vào ban đêm thì phải được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc thực hiện trong ngày làm việc bình thường.

4.4 Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc được trả lương theo quy định về làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc thực hiện làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

4.5 Tiền lương ngừng việc

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

  • Trường hợp người lao động phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
  • Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Trường hợp do sự cố điện, nước mà không phải do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm…, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
    • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
    • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

4.6 Tiền lương trong thời gian chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

Trong một số trường hợp được pháp luật quy định, Người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp người lao động đồng ý bằng văn bản

Người lao động được hưởng tiền lương cho công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương của công việc mới ít nhất bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

4.7 Tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ công việc

Trong thời hạn người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động theo quy định của pháp luật, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật thì không phải hoàn trả số tiền lương đã tạm ứng. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

4.8 Tiền lương trong khoản thời gian học nghề, tập nghề

Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.

4.9 Tiền lương đối với trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

Trong thời gian người lao động nghỉ việc hướng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác, unless the two parties agree otherwise. 

Đối với người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động đồng thời trả cho người lao động một khoản tiền lương và một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ hằng năm theo quy định của pháp luật.

Trên là một số quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trả lương của người sử dụng lao động mà người sử dụng lao động nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần lưu ý. Để tìm hiểu thêm về chủ đề lao động, bạn đọc có thể tham khảo những bài viết khác trên website của chúng tôi.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.