Xuất khẩu tại chỗ là một hình thức xuất khẩu hàng hóa được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam lựa chọn với những ưu điểm như giảm rủi ro trong việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa, tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

1. Xuất khẩu tại chỗ áp dụng cho những loại hàng hóa nào?

Thông thường, khi nhắc đến thuật ngữ xuất khẩu mọi người có xu hướng nghĩ đến việc chuyển hàng hóa ra khỏi cửa khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu tại chỗ là hình thức mà hàng hóa không đi qua cửa khẩu mà được diễn ra ngay trên lãnh thổ Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật đặt ra.

Không phải hàng hóa nào cũng là đối tượng xuất khẩu tại chỗ. Theo Thông tư 35/2015/TT-BTC thì hàng hóa xuất khẩu tại chỗ gồm:

  • Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công với thương nhân xuất khẩu có ký hợp đồng mua bán ký với thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài;
  • Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
  • Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Như vậy, bên cạnh loại hàng hóa, pháp luật Việt Nam còn quy định điều kiện đi kèm để được xác định là hàng hóa xuất khẩu tại chỗ. Lưu ý rằng doanh nghiệp xuất khẩu là doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Thủ tục hải quan

Cũng tương tự xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu, khi xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, doanh nghiệp cũng phải thực hiện kê khai hải quan.

2.1  Đối với doanh nghiệp xuất khẩu

  • Khai thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp, trong đó ghi rõ vào ô “Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” là mã địa điểm của Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan nhập khẩu và ô tiêu chí “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” trên tờ khai xuất khẩu phải khai như sau: XKTC hoặc tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy;
  • Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán;
  • Bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  • Giấy phép xuất khẩu hoặc văn bản cho phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành (nếu có);
  • Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Hợp đồng uỷ thác.

Doanh nghiệp xuất khẩu có trách nhiệm thông báo việc đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu để người nhập khẩu thực hiện thủ tục nhập khẩu và giao hàng hóa cho người nhập khẩu.

Cuối cùng, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp nhận thông tin tờ khai nhập khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan từ người nhập khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục tiếp theo.

2.2 Doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm

  • Khai thông tin tờ khai hải quan nhập khẩu theo đúng thời hạn quy định trong đó ghi rõ số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng tại ô “Số quản lý nội bộ doanh nghiệp” như sau: NKTC số tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ tương ứng hoặc tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy.
  • Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định.
  • Ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ thì thông báo việc đã hoàn thành thủ tục cho người xuất khẩu tại chỗ để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
  • Chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.

Lưu ý là trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính thay cho hóa đơn thương mại.

Việc khai hải quan phải được thực hiện trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện việc giao nhận hàng hóa. Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại một Chi cục Hải quan thuận tiện; chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Cơ quan hải quan chỉ kiểm tra các chứng từ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa (không kiểm tra thực tế hàng hóa). Đối với mỗi lần giao nhận, người xuất khẩu và người nhập khẩu phải có chứng từ chứng minh việc giao nhận hàng hóa (như hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,…), chịu trách nhiệm lưu giữ tại doanh nghiệp và xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra.

3. Ưu đãi dành cho xuất khẩu tại chỗ

  • Theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC thì hàng hóa xuất khẩu tại chỗ được hưởng thuế suất Thuế giá trị gia tăng 0%.
  • Bên cạnh thuế giá trị gia tăng, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn chi phối bởi quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu.

Như vậy, hình thức xuất khẩu tại chỗ là một hình thức xuất khẩu đặc biệt, chỉ áp dụng đối với hàng hóa đáp ứng các điều kiện cụ thể. Với những ưu điểm về tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các rủi ro có thể phát sinh và được hưởng thuế suất thuế GTGT 0%, hình thức này được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài ra hình thức xuất khẩu tại chỗ cũng không giới hạn về loại hình doanh nghiệp hay tỷ lệ phần vốn góp.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.