Hàng hóa khi được nhập khẩu và lưu hành vào thị trường Việt Nam, một trong các vấn đề đáng quan tâm là làm thế nào để bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt là đối với tổ chức, doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt (“Chủ đơn nước ngoài”) mà chỉ thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho các đại lý, đơn vị khác tại Việt Nam, thì việc thực hiện những thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định pháp luật Việt Nam lại càng nên được ưu tiên thực hiện hàng đầu. Vậy làm thế nào để đăng ký một nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam?

1. Tra cứu nhãn hiệu ban đầu

Đầu tiên, Chủ đơn nước ngoài cần thực hiện tra cứu sơ bộ nhãn hiệu dự kiến sử dụng tại thị trường Việt Nam. Việc tra cứu cần được thực hiện thông qua hệ thống thư viện điện tử của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (“IP Việt Nam”) và hệ thống dữ liệu quốc tế của Cơ quan sở hữu trí tuệ WIPO để tìm ra những nhãn hiệu tương tự, có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Chủ đơn nước ngoài đó cho các nhóm sản phẩm giống hoặc tương tự.

Ngoài ra, Chủ đơn nước ngoài cũng nên lựa chọn đại diện sở hữu công nghiệp là những chuyên gia trong lĩnh vực này để hỗ trợ tra cứu nhãn hiệu ban đầu và đánh giá được tính phân biệt của nhãn hiệu so với các nhãn hiệu đã đăng ký.

Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng việc tra cứu ban đầu của nhãn hiệu này chỉ mang tính tham khảo tại thời điểm tra cứu và giảm thiểu rủi ro nhãn hiệu bị trùng, tương tự với các nhãn đã đăng ký mà không đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không có bất kỳ nhãn hiệu tương tự hoặc giống nhãn hiệu tại thời điểm nộp đơn đăng ký.

2. Cân nhắc và lựa chọn nhãn hiệu chiến lược tại thị trường Việt Nam

Dựa kết kết quả tra cứu ban đầu, Chủ đơn nước ngoài cần lựa chọn ra những nhãn hiệu chiến lược của mình tại thị trường Việt Nam và có khả năng đáp ứng yêu cầu bảo hộ. Nhãn hiệu này có thể được thể hiện dưới hình thức chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó và đảm bảo tính phân biệt, giúp cho hàng hóa của Chủ đơn nước ngoài có thể phân biệt với hàng hóa của các chủ sở hữu khác.

3. Thực hiện thủ tục đăng ký

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, một nhãn hiệu chỉ xác lập quyền sở hữu khi được cấp văn bằng bảo hộ bởi IP Việt Nam hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, việc thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại IP Việt Nam là một yếu tố quan trọng giúp Chủ đơn nước ngoài được ghi nhận quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp.

Hiện này, Chủ đơn nước ngoài có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình theo hai (02) cách dưới đây:

3.1  Đăng ký trực tiếp tại IP Việt Nam thông qua các đại diện sở hữu công nghiệp

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam phải thực hiện nộp đơn thông qua đại điện sở hữu công nghiệp (như PLF) mà không thể trực tiếp tại IP Việt Nam như các chủ đơn khác.

Quá trình thực hiện đăng ký sẽ được thực hiện theo các giai đoạn sau theo quy định của Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam:

  • Thẩm định hình thức đơn (01 tháng)
  • Công bố đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (02 tháng);
  • Thẩm định nội dung đơn (09 tháng);
  • Thông báo kết quả thẩm định nội dung và cấp văn bằng bảo hộ (02- 03 tháng).

3.2 Đăng ký quốc tế thông qua hệ thống Madrid có chỉ định Việt Nam

Cũng giống như thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu Việt Nam thông qua hệ thống Madrid, các Chủ đơn nước ngoài có thể thực hiện  thủ tục đăng ký nhãn hiệu theo trình tự sau:

  • Bước 1: Chủ đơn nộp đơn cho cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia sở tại.
  • Bước 2: Đơn đăng ký được nộp lên tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), được thẩm định hình thức và đăng tải trên trang công báo.
  • Bước 3: Đơn được chuyển đến IP Việt Nam thực hiện thẩm định nội dung.

Sau khi đáp ứng các yêu cầu về hình thức theo thông báo của Văn phòng quốc tế, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được IP Việt Nam tiếp nhận xử lý và kết luận về khả năng bảo hộ nhãn hiệu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo.

Trong trường hợp nhãn hiệu quốc tế đáp ứng điều kiện bảo hộ, IP Việt Nam sẽ ra quyết định chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế và  gửi Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp thuận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam

Trường hợp nhãn hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc còn thiếu sót thì IP Việt Nam sẽ ra thông báo tạm thời từ chối cấp văn bằng bảo hộ và gửi Văn phòng quốc tế. Đối với giai đoạn này, các Chủ đơn nước ngoài sẽ phải thông qua các đại diện sở hữu công nghiệp để tiếp tục sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

4. Duy trì nhãn hiệu sau khi được bảo hộ

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp cho chủ đơn có hiệu lực trong thời hạn mười (10) năm và có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười (10) năm.

Vì vậy, Chủ đơn nước ngoài cần lưu ý rằng sau khi được cấp văn bằng bảo hộ để có thể duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tế đối với nhãn hiệu được bảo hộ, thì thủ tục gia hạn hiệu lực văn bằng cần được thực hiện theo đúng quy định. Thủ tục này cũng giúp các chủ sở hữu của nhãn hiệu không tốn thêm thời gian và chi phí phải thực hiện đăng ký lại nhãn hiệu khi văn bằng bảo hộ đã hết hạn.

Như vậy,  tại thị trường Việt Nam, để một nhãn hiệu được bảo hộ, việc thực hiện thủ tục đăng ký tại IP Việt Nam nên được ưu tiên hàng đầu để được cấp văn bằng bảo hộ.  Ngoài ra, trên thực tế thời gian hoàn tất 01 đơn đăng ký nhãn hiệu tại IP Việt Nam có thể kéo dài hơn quy định. Đồng thời, tùy thuộc vào tình hình thực tế và kế hoạch kinh doanh của mỗi chủ đơn, các phương án thực hiện đăng ký bảo hộ phù hợp sẽ được lựa chọn thực hiện nhằm xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, việc duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ cũng nên được quan tâm và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.