Phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại được các bên liên quan quan tâm do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình. Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải thông qua Cam kết không khởi kiện đang trở thành xu hướng và được khuyến khích vì mang lại nhiều lợi ích.

1.  Cam kết không khởi kiện trong giải quyết tranh chấp là gì?

Cam kết không khởi kiện” được hiểu là cam kết của một bên hoặc các bên liên quan về việc không lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Thay vào đó, các bên sẽ lựa chọn việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức thương lượng hoặc hòa giải.

Cam kết này khi xuất phát từ một bên được xem là hành vi pháp lý đơn phương của một bên việc việc đồng ý huỷ bỏ quyền khởi kiện của mình. Trong khi đó, nếu hai bên cùng “cam kết” không khởi kiện thì trường hợp này có thể được xem như là các bên có thoả thuận về việc không lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án hoặc mỗi bên tự cam kết riêng lẻ về việc không sử dụng quyền khởi kiện.

Cam kết không khởi kiện có thể được xem là một giao dịch dân sự, do nó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của bên liên quan.

Bên cạnh đó, để có hiệu lực pháp lý, Cam kết trên còn phải thỏa mãn các điều kiện theo Điều 117 của Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, Cam kết không khởi kiện thường được các bên ghi nhận vào hợp đồng. Dưới đây là một điều khoản mẫu về Cam kết không khởi kiện:

“Các Bên tại đây đồng ý và cam kết rằng, các tranh chấp liên quan hoặc phát sinh từ Hợp đồng này sẽ được Các Bên giải quyết thông qua thương lượng hoặc hòa giải. Không bên nào thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết các tranh chấp như vậy.”

Một số trường hợp Cam kết về không khởi kiện được giới hạn trong các điều kiện được một hoặc các bên đưa ra như trường hợp dưới đây:

“Bên A cam kết sẽ không tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan với điều kiện Bên B phải cùng Bên A giải quyết tranh chấp trên tinh thần thiện chí thông qua thương lượng hoặc hòa giải trong vòng 60 ngày kể từ ngày có yêu cầu của Bên A.”

Như vậy, cam kết không khởi kiện của các bên trong quan hệ kinh doanh thương mại sẽ có những điều chỉnh về mặt nội dung để đảm bảo phù hợp với mong muốn, mục đích của một hoặc các bên.

2. Hiệu lực của Cam kết không khởi kiện trong thực tiễn

Pháp luật Việt Nam thừa nhận quyền khởi kiện của các cá nhân, tổ chức khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Dưới góc độ pháp luật dân sự, không có quy định nào cấm các bên thoả thuận về việc không khởi kiện hoặc một bên Cam kết không khởi kiện khi phát sinh tranh chấp.

Mặc dù vậy, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 lại không có quy định nào về việc không thụ lý hoặc trả lại đơn khởi kiện nếu tồn tại Cam kết không khởi kiện khi pháp sinh tranh chấp. Cụ thể, Điều 192 Bộ luật này quy định các trường hợp trả lại đơn khởi kiện không bao gồm trường hợp đã tồn tại Cam kết không khởi kiện hoặc không thực hiện các điều kiện tiên quyết trước khi khởi kiện. Vậy, câu hỏi đặt ra là Cam kết không khởi kiện có thực sự mang tính bắt buộc áp dụng với một bên hoặc các bên trong quan hệ kinh doanh thương mại không?

Trong thực tiễn, Tòa án vẫn thường chấp nhận đơn khởi kiện mặc dù đã có Cam kết không khởi kiện trước đó. Tuy nhiên, họ thường hướng các bên giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, thoả thuận. Hiện nay, phương thức hòa giải ngoài Tòa án được rất được khuyến khích. Dù vậy, các phương thức này được thực hiện dựa trên sự tự nguyện của các bên mà không mang tính bắt buộc. Như vậy, có thể thấy Cam kết không khởi kiện trên thực tế không mang tính ràng buộc các bên.

Tóm lại, Cam kết không khởi kiện trong kinh doanh thương mại vẫn có thể được thực thi nhưng chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và thiện chí của một hoặc các bên liên quan. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng Cam kết này không có hiệu lực tuyệt đối và Tòa án vẫn có thể thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết tranh chấp theo thủ tục thông thường. Do đó, việc hiểu biết và áp dụng đúng Cam kết không khởi kiện theo các quy định pháp luật là vô cùng quan trọng.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.