“Các vấn đề liên quan đến thẩm quyền thông qua các hợp đồng, giao dịch của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền quản lý trong nội bộ doanh nghiệp như Chủ sở hữu (“CSH”), Hội đồng Thành viên (“HĐTV”), Hội đồng Quản trị (“HĐQT”), và Đại Hội đồng Cổ đông (“ĐHĐCĐ”), đối với từng loại hợp đồng, giao dịch cụ thể đã không còn là một chế định mới trong pháp luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các giao dịch, hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu mặc dù đã được ký bởi người đại diện theo pháp luật và đóng dấu xác nhận bởi con dấu doanh nghiệp mà chưa có được sự chấp thuận thông qua của một trong các cá nhân, cơ quan trên, vẫn là một vấn đề vướng mắc và gây lúng túng cho các nhà quản lý, cũng như các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh.”

Nhằm hạn chế các hậu quả pháp lý không mong muốn gây cản trở các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác kinh doanh, bằng bài viết này, PLF sẽ cung cấp một cái nhìn chung nhất về thẩm quyền chấp thuận hợp đồng, giao dịch của các cơ quan có thẩm quyền trong nội bộ doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp phổ biến như sau:

1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo luật, giao dịch thuộc một trong các trường hợp dưới đây phải được thông qua bởi HĐTV:

  • Giao dịch được xác lập có liên quan đến những đối tượng sau:
    • Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
    • Người có liên quan của người quy định ở trên; và
    • Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ; và những người có liên quan của các đối tượng này.
  • Giao dịch thuộc một trong các loại sau:
    • Hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi nhận trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
    • Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2020 đang dựa trên hai cơ sở là (i) chủ thể có liên quan đến giao dịch và (ii) giá trị và loại giao dịch để xác định thẩm quyền thông qua của HĐTV đối với từng giao dịch nhằm mục đích hạn chế việc lạm dụng quyền hạn của những người có ảnh hưởng nhất định đối với việc quản lý công ty và kiểm soát việc tham gia và thực hiện các giao dịch có giá trị lớn nằm ngoài phạm vi quyết định của người đại diện theo pháp luật.

2. Công ty TNHH một thành viên

Khác với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, tuỳ thuộc vào cơ cấu công ty và chủ sở hữu là tổ chức hay cá nhân, mà Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận các giao dịch thuộc một trong các trường hợp sau:

  • (i) Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;
  • (ii) Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
  • (iii) Người có liên quan của người quy định tại Mục (ii) ở trên;
  • (iv) Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó; và
  • (v) Người có liên quan của những người quy định tại Mục (iv) ở trên.

Trong trường hợp ký kết hợp đồng thuộc một trong các trường hợp trên mà chưa được thông qua bởi cơ quan có thẩm quyền phù hợp, hệ quả pháp lý có thể xảy ra là giao dịch bị tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Ngoài quy định trên, luật doanh nghiệp còn quy định đối với các giao dịch thuộc thẩm quyền thông qua của chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên, cụ thể là hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

3. Công ty cổ phần

Xuất phát từ thực tế công ty cổ phần thường có số lượng lớn cổ đông và cơ cấu quản trị nội bộ phức tạp, Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông, sẽ có thẩm quyền thông qua đối với giao dịch sau đây:

3.1 Giao dịch giữa công ty và những người có liên quan 

    • Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;
    • Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ; và
    • Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020

3.2 Giao dịch thuộc trong một các trường hợp sau

    • Hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty;
    • Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty.
    • Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Hội đồng Quản trị hay Đại Hội đồng cổ đông sẽ là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thông qua các giao dịch được đề cập ở trên.

Như vậy, mặc dù pháp luật thừa nhận giá trị hiệu lực của các hợp đồng, giao dịch được ký bởi người đại diện theo pháp luật và đóng dấu của công ty. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi các giao dịch có một bên là những tổ chức, cá nhân có quan hệ sở hữu, quản lý đối với doanh nghiệp hoặc cái giao dịch, hợp đồng có giá trị lớn, vấn đề chấp thuận, thông qua của chủ sở hữu, hoặc các cơ quan nội bộ của doanh nghiệp sẽ được đặt ra. Do đó để tránh việc hợp đồng bị vô hiệu, các bên trong giao dịch cần kiểm tra hợp đồng trên có thuộc các trường hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận thông qua của chủ sỡ hữu, Hội đồng thành viên, Đại Hội đồng Cổ đông hay không

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.