Đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển xã hội và thực hiện hoạt động kinh doanh chủ yếu vì mục tiêu xã hội thay vì lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội được Nhà nước Việt Nam tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích và duy trì hoạt động.

1. Doanh nghiệp xã hội là gì?

Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển kinh tế, Nhà nước Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu phát triển cộng đồng, xã hội tiến bộ nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng, ổn định của đất nước.

Doanh nghiệp xã hội như tên gọi là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, đảm bảo đầy đủ các điều kiện của một pháp nhân.

Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội là nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Các doanh nghiệp xã hội khi thành lập phải gửi Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (“Cam kết”) có chữ ký của chủ doanh nghiệp, gồm:

  • Đối với doanh nghiệp tư nhân: chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Đối với công ty hợp danh: các thành viên hợp danh;
  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: các thành viên là cá nhân; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền đối với thành viên là tổ chức;
  • Đối với công ty cổ phần: cổ đông sáng lập, cổ đông khác nếu cổ đông này đồng ý với nội dung cam kết và mong muốn ký vào bản cam kết này cùng với cổ đông sáng lập.

Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng tải Cam kết này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp xã hội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết trong suốt quá trình hoạt động. Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.

Đồng thời, nhà nước ràng buộc Chủ doanh nghiệp xã hội, đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm Cam kết và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.

Vì mục tiêu xã hội, đảm bảo thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội, Nhà nước đưa ra các chính sách đặc thù dành riêng cho đối tượng này như sau:

2.1 Hỗ trợ về giấy phép

Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật để doanh nghiệp xã hội hoạt động đúng mục tiêu đã cam kết.

2.2 Được huy động, nhận tài trợ, viện trợ

Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng phải đảm bảo các thủ tục liên quan.

Lưu ý là doanh nghiệp xã hội không được sử dụng các khoản tài trợ, huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.

2.3 Ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, giám định tư pháp được hưởng ưu đãi thuế suất TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Như vậy, doanh nghiệp xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu xã hội, môi trường, góp phần cùng với nhà nước duy trì và phát triển môi trường sống an toàn, lành mạnh. Với các chính sách khuyến khích và hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp xã hội, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện để mở rộng số lượng và đảm bảo duy trì sự hoạt động của các doanh nghiệp xã hội trong nước.

Bài viết được căn cứ theo pháp luật hiện hành tại thời điểm được ghi nhận như trên và có thể không còn phù hợp tại thời điểm người đọc tiếp cận bài viết này do pháp luật áp dụng đã có sự thay đổi và trường hợp cụ thể mà người đọc muốn áp dụng. Do đó bài viết chỉ có giá trị tham khảo.

Share:

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được hỗ trợ một cách hiệu quả và nhanh chóng.

DD slash MM slash YYYY
Giờ
:
This field is for validation purposes and should be left unchanged.